Bảng nghiên cứu về bệnh nhân ở quận Tshwane, thuộc tỉnh Gauteng, một điểm được coi là tâm dịch do Omicron gây ra ở Nam Phi, cho thấy biến thể mới có thể gây ra tình trạng bệnh nhẹ hơn so với các chủng trước đây. Một nghiên cứu khác cho thấy Omicron làm gia tăng tỉ lệ lây nhiễm ở người trước đó đã từng nhiễm SARS-CoV-2.
Báo cáo do Hội đồng nghiên cứu y khoa Nam Phi (SMMRC) mới công bố đã đưa ra bức tranh khái quát về tình trạng bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện quận Tshwane. Đứng đầu nhóm nghiên cứu là bác sĩ Fareed Abdullah, người làm việc cho SAMRC.
Ông Abdullah tỏ ra cẩn trọng khi lưu ý rằng báo cáo chỉ dựa trên đánh giá, quan sát ở nhóm bệnh nhân mắc bệnh trong hai tuần đầu của làn sóng lây nhiễm Omicron. Vì thế, đánh giá có thể sẽ thay đổi trong những tuần sắp tới. Tuy nhiên, dấu hiệu ban đầu cho thấy sóng lây nhiễm Omicron rất khác so với các làn sóng trước đó từng được ghi nhận ở Tshwane.
Điểm đáng lưu ý nhất trong bản phân tích này chính là việc đa phần các bệnh nhân nhập viện không cần can thiệp thở oxy. Chỉ có một số ít người cần được bổ sung oxy và đây là điều mà ông Abdullah cho rằng rất khác so với những làn sóng lây nhiễm trước đó ở ở các bệnh viện. Đặc biệt, đa phần những người này nhập viện với nguyên nhân ban đầu là do các nguyên nhân y khoa khác, hoặc là do xét nghiệm thường lệ SARS-CoV-2.
“Bức tranh này không xuất hiện ở những sóng lây nhiễm trước. Ở giai đoạn đầu và trong toàn bộ chu kỳ của ba làn sóng trước đây, luôn xảy ra tình trạng có nhiều bệnh nhân cần thở oxy. Những người này thường thuộc nhóm đang trong giai đoạn hồi phục, chờ để được xuất viện”, báo cáo nêu rõ.
Đan xen thông tin tích cực này là xu hướng tỉ lệ nhập viện ở người trẻ tuổi tại Tshwane tăng cao. Theo báo cáo của SAMRC, 80% số ca nhập viện trong hai tuần qua rơi vào người dưới 50 tuổi. Bác sĩ Abdullah nhận định số ca dương tính tăng ở người trẻ cho thấy vaccine có hiệu quả với Omicron. Bởi 57% người trên 50 tuổi ở Tshwane đã tiêm vaccine, trong khi tỉ lệ này với người dưới 50 tuổi là 34%.
Đương nhiên, cũng có thể đơn giản là việc virus chưa bắt đầu xâm nhập và lây lan ở nhóm đối tượng người già dễ bị tổn thương tại các cộng đồng dân cư khác. Chia sẻ với hãng tin STATNews, bác sỹ Peter Hotez thuộc Đại học Y khoa Baylornhận định dữ liệu mới này là đáng khích lệ, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định về khả năng lây nhiễm và gây bệnh của Omicron.
“Rất có thể [báo cáo] cho thấy rằng tình trạng diễn tiến bệnh nặng ít xảy ra hơn với Omicron. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải cẩn trọng trong việc đưa ra một tuyên bố mang tính khẳng định vững chắc. Ở thời điểm hiện tại, đây quả là một liều thuốc giải độc thú vị. Và chúng ta sẽ xem liệu Omicron lây lan ở Mỹ có giống với xu hướng tại Tshwane hay không”, ông Hotez nêu quan điểm.
Một nghiên cứu mới khác về Omicron do Trung tâm chuyên về phân tích và lập mô hình dịch tễ học Nam Phi thực hiện. Công trình này chuyên về theo dõi tái nhiễm COVID-19 ở địa phương, mới chỉ được công bố dưới dạng tiền in ấn, chưa trải qua khâu bình duyệt khoa học trên các tạp chí chuyên ngành.
Nghiên cứu được tiến hành vào đầu năm nay và công bố dưới dạng bản in trước vào đầu tháng 11. Kết quả cho thấy không có bằng chứng nào về sự bất thường liên quan đến tái nhiễm ở những người đã mắc biến thể Beta và Delta. Nhưng trong tháng 10, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nhận thấy sự thay đổi trong dữ liệu. Các ca tái nhiễm tăng nhanh ở một số khu vực của Nam Phi.
Khi phát hiện ra biến thể Omicron, các nhà khoa học đã nhanh chóng cập nhật nghiên cứu để đưa vào dữ liệu cho đến cuối tháng 11. Dữ liệu mới này vẽ nên một bức tranh rất khác so với những phát hiện trước đó về Beta và Delta. Sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp tái nhiễm COVID-19 trong suốt tháng 10 và tháng 11 cũng trùng hợp với thời điểm xuất hiện của Omicron.
“Chúng tôi nhận thấy có bằng chứng về sự gia tăng đáng kể đối với nguy cơ tái nhiễm. Và điều này xảy ra ở thời điểm Omicron bùng phát tại Nam Phi. Đây có thể là chỉ dấu cho thấy tính trội chọn lọc của Omicron có thể một phần đến từ việc biến thể này tăng khả năng lây nhiễm ở người đã nhiễm SARS-CoV-2 trước đó’, các nhà nghiên cứu kết luận.
Nhà nghiên cứu Francois Balloux thuộc Đại học College London (Anh) nhìn nhận nghiên cứu sự tái nhiễm ở Nam Phi được thực hiện một cách kịp thời, chuẩn mực. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng nghiên cứu chưa đề cập đến mối quan hệ giữa Omicron và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, nghiên cứu không xem xét mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những người tái nhiễm, vì thế không có dữ liệu để khẳng định xu thế diễn tiến dịch bệnh ở người tái nhiễm.