Việc Chính phủ Anh đưa Tây Ban Nha ra khỏi danh sách các nước an toàn về dịch bệnh COVID-19 đã được công bố vào tối 25/7 và có hiệu lực ngay lập tức chỉ vài giờ sau đó, khiến cho nhiều du khách không kịp ứng phó. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Raab cho rằng đây là một quyết định kịp thời nhằm đối phó trước số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh trở lại ở Tây Ban Nha. Phát biểu trên truyền hình Sky New, ông nói: "Chúng tôi không thể đưa ra lời xin lỗi... Chúng tôi phải hành động quyết đoán và mau lẹ".
Lệnh cách ly được áp dụng từ đêm 25/7 và khiến các du khách không kịp né tránh bằng cách vội về nước. Những người Tây Ban Nha vừa nhập cảnh vào Anh cũng sẽ bị yêu cầu cách ly.
Bộ Ngoại giao Anh cũng đưa ra thông cáo khuyên người dân hạn chế tới Tây Ban Nha. Hành động này có thể khiến các công ty du lịch chao đảo vì phải huỷ hàng loạt các gói kích cầu du lịch tới nước này và đòi bồi thường bảo hiểm.
Công ty du lịch lớn nhất châu Âu, TUI cho biết họ đã huỷ hết tất cả chuyến từ Tây Ban Nha sang Anh trong ngày 26/7 và đang khẩn cấp xem xét kế hoạch cho tương lai.
Về phần mình, hai hãng hàng không EasyJet và British Airway cho biết họ không dự định huỷ chuyến trong các ngày sắp tới.
Những công dân Anh đi du lịch tại Tây Ban Nha khi trở về cũng sẽ bị cách ly. Chính phủ Anh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên "thông cảm" cho nhân viên của mình nếu họ không thể quay trở lại làm trong 2 tuần tới vì bị cách ly.
Hành động này của Anh tiếp bước các nước châu Âu khác. Hôm 24/7 vừa qua, Na Uy thông báo sẽ áp dụng lại lệnh cách ly 10 ngày với người tới từ Tây Ban Nha, trong khi Pháp cũng khuyến cáo người dân không tới vùng Catalonia.
Quyết định của Anh sẽ gây thiệt hại nặng nề hơn khi nước này chiếm tới 20% lượng khách du lịch tại Tây Ban Nha năm ngoái. Du lịch chiếm 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha.
Tính đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng cộng 319.501 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 28.432 ca tử vong.