Hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng May đã hoãn trình thỏa thuận Brexit để Quốc hội Anh thông qua sau khi nhận thấy nguy cơ cao bà sẽ thất bại trước những quan ngại về điều khoản "chốt chặn" trong thỏa thuận "ly hôn".
Đây là một chính sách bảo đảm được tạo ra nhằm tránh biên giới cứng cho Ireland, nhưng giới chỉ trích quan ngại Anh sẽ "mắc kẹt" trong vòng kiềm tỏa của EU. Nữ chính khách này đang nỗ lực tìm kiếm những đảm bảo từ giới lãnh đạo EU trước thềm cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong tháng này.
Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Hunt khẳng định khi Thủ tướng May sẽ quay trở lại với những cam kết mà bà đang tìm kiếm từ EU nhằm đảm bảo rằng thỏa thuận Brexit sẽ không khiến nước Anh "vĩnh viễn mắc kẹt trong liên minh thuế quan".
Khi được hỏi về khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về kế hoạch Brexit, ông cho rằng điều này sẽ gây phương hại nền dân chủ, nhấn mạnh việc nước Anh không rời EU sẽ để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng.
Chính phủ Anh và EU đã nhất trí với nhau về thỏa thuận Brexit hồi tháng 11/2018. Tuy nhiên, thỏa thuận này phải được Hạ viện Anh thông qua. Trước sự phản đối công khai của nhiều nghị sĩ thuộc các đảng phái chính trị khác nhau, ngày 11/12/2018, Thủ tướng May đã hoãn việc trình dự thảo này ra Hạ viện sang tháng 1/2019 để có thêm thời gian thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận.
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến thời điểm Vương quốc Anh phải rời "mái nhà chung" EU, ngày 29/3/2019. Hiện có hai lựa chọn đối với các nghị sĩ: thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ, hoặc chính phủ sẽ quyết định theo phương án sẽ rời EU đúng ngày đã định mà không đạt thỏa thuận.
Kịch bản xấu nhất là "Brexit cứng" này, tức là "cắt đứt đột ngột" không thời kỳ chuyển tiếp và để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với quốc gia này và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới EU.