Ngoại trưởng các nước SADC họp khẩn cấp về Zimbabwe

Theo phóng viên TTXVN tại miền Nam châu Phi, ngày 16/11, Ngoại trưởng các nước thành viên Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) đã họp khẩn cấp tại thủ đô Gaborone của Botswana để thảo luận tình hình ở Zimbabwe.

Xe quân sự xuất hiện trên đường phố thủ đô Harare (Zimbabwe) ngày 15/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc họp diễn ra theo lời kêu gọi của Chủ tịch SADC - Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma. Ngoài các Ngoại trưởng của các nước thành viên SADC, cuộc họp này còn có sự tham dự của đại diện 3 nước châu Phi khác là Angola, Tanzania và Zambia.

Tổng thống Nam Phi kêu gọi các bên tại Zimbabwe bình tĩnh và kiềm chế, đảm bảo hòa bình và ổn định. Ông cho biết ngày 15/11, Nam Phi đã gửi các đặc phái viên tới Zimbabwe. Các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi sẽ gặp Tổng thống Mugabe và các tướng lĩnh quân đội Zimbabwe, sau đó sẽ tới Angola báo cáo về "sứ mệnh" này với  Chủ tịch Cơ quan về Chính sách Quốc phòng và An ninh của SADC - Tổng thống Angola Joao Lourenço.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Algeria, Abdelaziz Benali Cherif hối thúc các bên liên quan "đảm bảo việc tuân thủ Hiến pháp". Theo quan chức này, Algeria ủng hộ nỗ lực của các nước trong khu vực khuôn khổ của SADC nhằm thúc đẩy sự trở lại bình thường nhanh chóng ở Zimbabwe. Algeria sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến mới nhất tại Zimbabwe và tiếp tục kêu gọi các bên tuân thủ Hiến pháp Zimbabwe, đồng thời tránh làm các việc tổn hại và gây bất lợi cho Zimbabwe.
 
Hiện Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, 93 tuổi, cùng vợ Grace Mugabe và hai nhân vật chủ chốt của nhóm chính trị G40 do bà đứng đầu đang bị quản thúc tại khu “Nhà Xanh” của ông Mugabe ở thủ đô Harare. Đại diện quân đội đã thông báo trên Đài truyền hình Nhà nước ZBC rằng đây không phải là một cuộc đảo chính, song giới quan sát cho rằng hành động của quân đội sẽ mở ra một cuộc chuyển giao quyền lực "không đổ máu" tại quốc gia miền Nam châu Phi này.
    

Cùng ngày, truyền thông Nam Phi đưa tin Tổng thống Mugabe sẽ “nhanh chóng” chuyển giao quyền lực cho cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người vừa bị sa thải tuần trước. Theo hãng truyền thông SABC, một thỏa thuận đã được đưa ra, theo đó ông Mnangagwa sẽ đứng đầu chính phủ chuyển tiếp bao gồm đại diện của các đảng phái chính trị khác nhau. Ông Mnangagwa dự kiến sẽ thành lập một chính phủ chuyển tiếp để lãnh đạo trong 5 năm và sau đó sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Nhiệm vụ của ông Mnangagwa sẽ bao gồm việc khôi phục luật pháp và ổn định nền kinh tế.
 
Trong khi đó, cũng có thông tin cho rằng ông Morgan Tsvangirai, lãnh đạo đảng Phong trào Thay đổi Dân chủ (MDC) đối lập lớn nhất ở Zimbabwe, và cựu chiến binh Christopher Mutsvangwa đã bay từ Nam Phi về Zimbabwe để “sẵn sàng đàm phán thành lập chính phủ chuyển tiếp với ông Mnangagwa”.

TTXVN/Báo Tin tức
Liên minh châu Phi ra tuyên bố về tình hình Zimbabwe
Liên minh châu Phi ra tuyên bố về tình hình Zimbabwe

Theo phóng viên TTXVN tại miền Nam châu Phi, ngày 16/11, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki Mahamat đã ra tuyên bố về tình hình Zimbabwe và kêu gọi các bên liên quan tại nước này giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay phù hợp với các quy định chung của châu lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN