Theo kênh Al Jazeera, ông Amir-Abdollahian cũng mô tả các cuộc tấn công của Mỹ và Anh là sai lầm chiến lược.
Về phần mình, đề cập đến căng thẳng ở Biển Đỏ, ông Guterres bày tỏ lo ngại về xu hướng lan rộng xung đột trong khu vực.
Trước đó, Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công ngày đêm 11 - sáng 12/1 nhằm vào các địa điểm liên quan đến thiết bị bay không người lái, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, các hệ thống giám sát trên không và radar ven biển của lực lượng Houthi ở Yemen. Mỹ tuyên bố có thể sẽ tiến hành thêm các đợt tấn công mới trong trường hợp cần thiết.
Sau cuộc không kích, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo nước này sẽ thực hiện các cuộc tấn công mới nhằm vào Houthi ở Yemen nếu lực lượng này tiếp tục tấn công các tàu thuyền thương mại ở Biển Đỏ. Phát biểu với các phóng viên trong chuyến đi vận động tranh cử ở bang Pennsylvania, ông Biden nói rõ: “Chúng tôi đảm bảo là sẽ đáp trả Houthi nếu họ còn tiếp tục các hành động thái quá”. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói ông không tin các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào các tay súng Houthi đã gây ra thương vong cho dân thường ở Yemen.
Cùng ngày, Ai Cập và Saudi Arabia đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đỏ sau các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào các mục tiêu của Houthi.
Tuyên bố của của Bộ Ngoại giao Ai Cập nói rõ Cairo kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực và quốc tế nhằm làm giảm căng thẳng và tránh gây bất ổn trong khu vực, đặc biệt là tuyến hàng hải trên Biển Đỏ. Những diễn biến nguy hiểm và ngày càng leo thang gần đây ở phía Nam Biển Đỏ cũng như ở Yemen diễn ra theo đúng cảnh báo trước đó của Ai Cập về nguy cơ xung đột lan rộng xuất phát từ các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza. Cairo nhấn mạnh cần có lệnh ngừng bắn toàn diện và đảm bảo chấm dứt hoàn toàn xung đột ở Gaza để tránh đẩy khu vực rơi sâu vào bất ổn hơn nữa.
Saudi Arabia cũng kêu gọi các bên kiềm chế và tránh leo thang xung đột trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định trên Biển Đỏ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ với sự quan ngại sâu sắc về các hoạt động quân sự ở Biển Đỏ cũng như các cuộc không kích nhằm vào một số địa điểm ở Yemen.
Trong khi đó, lực lượng Houthi tuyên bố sẽ trả đũa các cuộc không kích của quân đội Mỹ và Anh trên Biển Đỏ hoặc đất liền.
Tối 15/1, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết Houthi vừa sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm tấn công trúng con tàu M/V Gibraltar Eagle thuộc sở hữu của Mỹ nhưng chưa có thiệt hại gì về người.
Trước đó, Cơ quan An ninh và công ty quản lý rủi ro hàng hải của Anh thông báo một tàu chở hàng của Mỹ đã bị trúng tên lửa ngoài khơi Yemen. Đám cháy đã bùng phát trên con tàu đang treo cờ Quần đảo Marshall nhưng con tàu vẫn tiếp tục hải trình và không có báo cáo về thương vong.
Ít nhất có 6 tàu chở dầu đã phải thay đổi lộ trình trong ngày 15/1 để tránh đi qua vùng biển phía Nam Biển Đỏ. Như vậy kể từ khi Mỹ và Anh không kích các mục tiêu của Houthi ở Yemen, đã có tới 15 con tàu phải chuyển hướng, đi qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam Châu Phi để tới châu Âu hoặc Mỹ.