Phát biểu tại bang Iowa, ông Pompeo cho biết mặc dù chưa chắc chắn, song ông hy vọng Mỹ sẽ có phái đoàn đàm phán tới Bình Nhưỡng trong những tuần tới. Ông tuyên bố sẽ nỗ lực theo đuổi những lĩnh vực mang lại lợi ích chung cho hai nước.
Theo ông, dù Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 kết thúc không như kỳ vọng, song hai bên đã đạt được một số tiến triển và hiện vẫn còn nhiều việc phải làm. Trên cương vị là nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ, ông mong muốn có thể thuyết phục Triều Tiên thay đổi quan điểm rằng vũ khí hạt nhân là thứ duy nhất đảm bảo an ninh cho nước này.
Tuần trước, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cụ thể nào cho kế hoạch gặp thượng đỉnh tiếp theo. Hai bên đã đưa ra những lý do khác nhau để lý giải cho kết quả hội nghị. Tổng thống Trump cho biết ông không thể đồng ý việc Triều Tiên muốn dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho khẳng định Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt để đổi lấy việc dỡ bỏ khu tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon.
Theo kế hoạch, Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun sẽ báo cáo với Quốc hội Mỹ về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vừa qua trong tuần này.
Trong khi đó, phái đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc ngày 5/3 đã lên đường đến Mỹ để thảo luận về các cách thức duy trì nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Việt Nam. Dự kiến, Trưởng đoàn Hàn Quốc tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên Lee Do-hoon sẽ gặp Đặc phái viên Biegun và các quan chức khác tại thủ đô Washington, Mỹ.
Trả lời báo giới tại sân bay quốc tế Incheon trước khi lên đường sang Mỹ, ông Lee Do-hoon cho biết trong giai đoạn hiện nay, Hàn Quốc đang tiến hành phân tích kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Việt Nam, củng cố sự phối hợp giữa Hàn Quốc và Mỹ, cũng như tham vấn về phương hướng thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.