Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gặp người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tại thủ đô Washington, Saudi Arabia tái khẳng định quan điểm không nhượng bộ trong vấn đề.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) có cuộc gặp người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu ngày 27/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết đối thoại giữa hai quan chức sẽ kéo dài trong suốt tuần, đồng thời nhận định Saudi Arabia đang đặt ra những yêu cầu "thách thức" cho phía Qatar. Mỹ tiếp tục kêu gọi các nước liên quan hợp tác để cùng nhau tìm giải pháp cho vấn đề.
Kênh truyền hình Al Jazeera dẫn lời Ngoại trưởng Al Thani chỉ trích các điều kiện của Saudi Arabia là thiếu thực tiễn, không khả thi và do đó "không thể chấp nhận được". Quan chức này cho hay Doha tán thành quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson rằng các điều kiện được đặt ra để giải quyết mâu thuẫn cần phải hợp lý.
Tuyên bố của ông Al Thani được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir, người cũng đang có mặt ở Washington, tái khẳng định quan điểm không nhượng bộ của Riyadh. Nhận định về lập trường cứng rắn của Saudi Arabia, ông Tillerson bày tỏ hy vọng tất cả các bên liên quan trong tình hình căng thẳng vùng Vịnh sẽ tiếp tục đối thoại với nhau theo tinh thần thiện chí.
Trước đó, trong một tuyên bố chính thức hôm 25/6, Ngoại trưởng Mỹ đã nhận định một số điều kiện từ phía Saudi Arabia sẽ "rất khó khăn" đối với Qatar, song tin rằng có nền tảng để các bên tiếp tục đối thoại tìm kiếm lối ra cho khủng hoảng. Ông Tillerson nhấn mạnh mỗi quốc gia liên quan đều có thể và cần phải đóng góp vào nỗ lực chung.
Ngoài các cuộc tiếp xúc trên, Ngoại trưởng Mỹ cũng gặp Bộ trưởng các vấn đề nội các Kuwait Sheikh Mohammad Abdullah Al-Sabah, trao đổi về các vấn đề liên quan đến tình hình vùng Vịnh. Hiện Kuwait đang tích cực đóng vai trò hòa giải cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại vùng Vịnh trong nhiều năm trở lại đây.
Ngày 5/6, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã áp đặt lệnh tẩy chay Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ các chiến binh Hồi giáo - và sau đó đưa ra một tối hậu thư, bao gồm yêu cầu đóng cửa một căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Doha, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera và cũng như việc kiềm chế quan hệ với Iran. Qatar phủ nhận cáo buộc chống lại họ và cho rằng các yêu cầu nhằm mục đích hạn chế chủ quyền của nước này.