Ngoại trưởng Mỹ hội kiến Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu trong buổi tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang ở thăm Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in cho biết: “Có nhiều quan điểm khác nhau về kết quả cuộc gặp này, song điều quan trọng nhất là nó đã giúp toàn thế giới, trong đó có người dân Mỹ, Nhật và Trung Quốc, thoát khỏi mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân và tên lửa tầm xa. Đó là điều rất có ý nghĩa”.
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng vẫn còn nhiều việc phải thảo luận và tiến hành, song khẳng định rằng các nỗ lực hiện nay của Mỹ nhằm giải giáp vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên sẽ thành công và sẽ mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các Ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Hàn sẽ hội đàm tại Seoul trong ngày 14/6 để thảo luận cách thức duy trì xung lực hướng tới phi hạt nhân hóa mà cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã tạo ra. Bên cạnh ông Pompeo, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cũng đã có mặt tại Hàn Quốc.
Các động thái trên diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du khu vực của ông Pompeo nhằm thông báo kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore vừa qua. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" Bán đảo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết cung cấp các đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và theo đuổi "quan hệ mới" giữa hai nước.
Dự kiến, Ngoại trưởng Pompeo sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo với Bình Nhưỡng nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chung mà lãnh đạo hai nước đã ký tại Singapore.
Phát biểu với báo giới tại Hàn Quốc, ông bày tỏ hy vọng có thể gặp một quan chức cấp cao Triều Tiên sớm nhất vào tuần tới và hy vọng tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ đạt tiến bộ lớn trước khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2021. Ông cũng bác bỏ những chỉ trích về việc thỏa thuận thượng đỉnh Mỹ - Triều không đề cập cụm từ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" (CVID). Ông khẳng định rằng từ "hoàn toàn" bao gồm ý kiểm chứng, "không thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà không có kiểm tra và chứng thực".