Theo các nhà ngoại giao, trọng tâm của chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Mỹ tới khu vực này là việc Israel bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng như thúc đẩy các nước Arab khác làm điều tương tự.
Theo kế hoạch, trong chuyến công du tới Israel, Ngoại trưởng Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tại cuộc hội đàm, hai bên dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề an ninh khu vực cũng như việc thiết lập và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ của Israel với các nước trong khu vực. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu cho biết ông và Ngoại trưởng Mỹ sẽ bàn thảo việc tăng cường hòa bình trong khu vực.
Các chặng dừng chân tiếp theo của Ngoại trưởng Pompeo trong chuyến công du này sẽ là Sudan, Bahrain và UAE và có thể dừng chân tại Oman và Qatar.
Theo kế hoạch, tại Khartoum, Ngoại trưởng Pompeo dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, thảo luận việc duy trì sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền chuyển tiếp dân sự, cũng như sự ủng hộ đối với việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Sudan-Israel. Giới phân tích cho rằng Sudan đang rất mong muốn được Mỹ dỡ bỏ khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố và việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ là một bước đi hướng tới mục tiêu này. Tuy nhiên, để dỡ bỏ Sudan khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố còn phụ thuộc vào việc hoàn tất thỏa thuận bồi thường cho các nạn nhân trong vụ đánh bom các Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998. Cũng trong chuyến công du này, ông Pompeo dự kiến sẽ gặp Thái tử Bahrain Hamad Al-Khalifa trước khi gặp Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan bàn về thỏa thuận với Israel.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo là một trong hai chuyến thăm của hai quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông trong tuần này. Các chuyến công du trên diễn ra trong bối cảnh Washington đang thúc đẩy tham vọng hòa bình giữa Israel với các nước Arab mà Tổng thống Trump hy vọng có thể "đánh bóng" thành tựu trong chính sách đối ngoại của mình trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định cam kết của Washington đối với hòa bình, an ninh và ổn định tại Israel, Sudan và một số nước vùng Vịnh chưa bao giờ mạnh mẽ như dưới thời của Tổng thống Donald Trump.
Sau chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ, Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner cũng sẽ tới thăm khu vực này. Theo kế hoạch, ông Kushner sẽ bắt đầu chuyến công du tới Israel, Bahrain, Oman, Saudi Arabia và Maroc vào cuối tuần này.
Các nhà phân tích cho rằng cả hai chuyến thăm trên đều tập trung vào thỏa thuận hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE, các cố gắng của Mỹ về tái áp đặt trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Iran.
Ngày 13/8 vừa qua, Israel và UAE đã đạt thỏa thuận lịch sử trên, do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết theo thỏa thuận, Israel nhất trí ngừng áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà đã được thảo luận sáp nhập. Thỏa thuận hòa bình là kết quả của các cuộc thảo luận kéo dài, mới được đẩy nhanh tiến độ giữa Israel, UAE và Mỹ. Với thỏa thuận trên, UAE là quốc gia Arab thứ 3 bình thường hóa quan hệ với Israel Israel (sau Ai Cập ký năm 1979 và Jordan ký năm 1994).
Tuy nhiên, chính quyền Palestine cùng một số nước Arab lên tiếng phản đối thỏa thuận này. Ngày 22/8, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL), ông Ahmed Aboul-Gheit, nhận định quan hệ hòa bình bình thường và toàn diện giữa Israel và Arab chỉ có thể đạt được khi người Palestine giành được tự do và độc lập. Thông báo của AL dẫn lời ông Ahmed Aboul-Gheit cho rằng quan hệ hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua nguyên tắc "đổi đất lấy hòa bình" và thành lập một nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền đầy đủ theo đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem.
Tuần trước, Washington cũng tiến hành bước đi gây tranh cãi tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, chính thức kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran - một bước đi được cho là có thể phá hủy hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký kết năm 2015. Quy trình này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 đề xuất tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran nếu Tehran không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận. Sau khi nhận đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong HĐBA có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận hay không.
Trong trường hợp các bên không nhất trí được, các lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị. Tuy nhiên, 13 trong tổng số 15 nước thành viên hội đồng, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ gồm Anh, Pháp, Đức, đã phản đối động thái trên.