Phát biểu trước báo giới tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông đã “có một cuộc gọi rất đặc biệt” với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thái tử UAE Mohammed bin Zayed và hai nhà lãnh đạo này đã thống nhất về thỏa thuận hòa bình.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump đã đề cập đến một thỏa thuận chung giữa Mỹ, UAE và Israel, và gọi thỏa thuận nhằm “bình thường hóa quan hệ hoàn toàn” giữa Israel và UAE này là “một bước đột phá ngoại giao lịch sử”. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cho rằng các nước khác sẽ tiếp nối UAE để “làm tan băng” quan hệ với Israel và đây là bước đi đáng kể hướng tới việc "kiến tạo một khu vực Trung Đông phồn thịnh, an toàn và hòa bình hơn".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng đây là “một buổi tối lịch sử. Một kỷ nguyên mới mở ra giữa Israel và thế giới Arab”. Phát biểu tại Jerusalem, ông Netanyahu tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thiết lập một nền hòa bình chính thức và hoàn toàn, một thỏa thuận ngoại giao đầy đủ, với các đại sứ quán, các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch, các chuyến bay thẳng giữa Tel Aviv với Dubai và Abu Dhabi”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel cũng nêu rõ trong thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã "trì hoãn" kế hoạch sáp nhập Bờ Tây nhưng "sẽ không từ bỏ kế hoạch này".
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập của Israel Yair Lapid đã chúc mừng ông Netanyahu và cho biết thêm rằng “bước đi này là bằng chứng cho thấy thay vì các bước đi đơn phương như sáp nhập, vốn sẽ gây phương hại tới an ninh của Israel, các cuộc đàm phán và các thỏa thuận, mới là con đường hướng tới quan hệ ngoại giao”.
Về phía Palestine, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bác bỏ thỏa thuận nói trên. Cùng ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án thỏa thuận. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh tuyên bố "giới lãnh đạo Palestine bác bỏ và lên án thông báo 3 bên và bất ngờ của UAE, Israel và Mỹ". Trong tuyên bố bên ngoài trụ sở văn phòng Tổng thống Abbas tại Ramallah ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, ông Abu Rudeineh cho hay thỏa thuận trên là một "sự phản bội đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine".
Trước đó, Israel và UAE đã đạt một thỏa thuận lịch sử hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao, do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết theo thỏa thuận, Israel nhất trí ngừng áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà đã được thảo luận sáp nhập. Thỏa thuận hòa bình là kết quả của các cuộc thảo luận kéo dài, mới được đẩy nhanh tiến độ giữa Israel, UAE và Mỹ. Thỏa thuận được nhất trí trong một cuộc điện đàm ngày 13/8 giữa Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed. Các quan chức cho hay thỏa thuận sẽ được biết đến với tên gọi Hiệp ước Abraham là thỏa thuận đầu tiên kiểu này kể từ khi Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994. Đây cũng được xem là một thành công về chính sách đối ngoại cho Tổng thống Donald Trump khi ông tìm cách tái đắc cử vào ngày 3/11 tới.
Theo thỏa thuận giữa Israel và UAE, phái đoàn hai bên sẽ gặp nhau trong những tuần tới nhằm ký các thỏa thuận song phương về việc thiết lập đại sứ quán. Như vậy, UAE là nước Arab thứ 3 mở quan hệ với Israel, sau Ai Cập và Jordan.