Trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn TASS được đăng trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/12, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ Nga sẵn sàng đóng góp vào sự tiến bộ này bằng mọi biện pháp có thể. Ông cho biết việc thiết lập hòa bình lâu dài tại Ukraine nằm trong lợi ích của Nga và sẽ tác động tích cực đến các mối quan hệ giữa Moskva và Kiev.
Ngoại trưởng Lavrov đã hoan nghênh quyết tâm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm nhanh chóng chấm dứt sự đối đầu tại vùng Donbass chỉ trong 5 tháng kể từ khi lên nắm quyền, điều mà người tiền nhiệm đã cương quyết từ chối trong nhiều năm. Ngoại trưởng Lavrov tin rằng mục tiêu này là khả thi sau khi các lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp và Đức nhất trí rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài thỏa thuận Minsk trong việc giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Thỏa thuận Minsk đã lần lượt đạt được vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015, trong đó bao gồm một lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng khỏi đường ranh giới, trao đổi tù nhân, tổ chức bầu cử địa phương, cùng nhiều biện pháp khác. Theo ông Lavrov, điều quan trọng là đảm bảo việc thực thi các thỏa thuận như vậy dù điều này không hề đơn giản.
Hôm 9/12 vừa qua, các lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã thông qua tuyên bố chung 3 điểm tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ Normady, bao gồm khẳng định Thỏa thuận Minsk tiếp tục là nền tảng cho công việc của Bộ tứ Normandy; bổ sung thêm điều khoản mới trước cuối tháng 3/2020 về việc phân chia bố trí lực lượng ở vùng Donbass; các nhà lãnh đạo Bộ tứ Normandy cam kết ủng hộ việc thực thi toàn diện chế độ ngừng bắn ở Dobass đến cuối năm nay, kêu gọi các bên tổ chức trao đổi người bị bắt giữ trước cuối năm 2019.
Cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này đã nổ ra từ năm 2014. Theo các số liệu thống kê của Liên hợp quốc, cuộc xung đột kéo dài 5 năm này đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người.