Theo đó, ngoài những vấn đề về cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine vừa diễn ra và tình hình ở Libya, hai bên đã nhất trí tiếp tục nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), còn có tên gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), cũng như các giải pháp hạ nhiệt căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.
Liên quan đến JCPOA, Tổng Thư ký Ủy ban Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Helga Schmid, trong tuyên bố cùng ngày cho biết đại diện Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc sẽ gặp đại diện Iran vào ngày 28/7 tại Vienna (Áo) để thảo luận về giải pháp cứu thỏa thuận JCPOA. Tuyên bố nêu rõ: "Cuộc gặp, diễn ra theo đề nghị của Pháp, Đức, Anh và Iran, sẽ tập trung xem xét những vấn đề liên quan đến việc thực thi thỏa thuận JCPOA trong mọi lĩnh vực".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Iran cho biết các bên đã nhất trí triệu tập một cuộc họp bất thường của ủy ban chung JCPOA vào ngày 28/7. Cuộc họp sẽ được tổ chức ở cấp thứ trưởng và vụ trưởng.
JCPOA có nguy cơ sụp đổ sau khi Mỹ rút khỏi năm ngoái và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Iran trong khuôn khổ chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Washington. Ngày 8/5 vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "giảm bớt" việc thực hiện các cam kết trong JCPOA, với lý do các bên còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga, thất bại trong việc giảm thiểu tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đặc biệt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Đến ngày 1/7, Tehran xác nhận lượng dự trữ urani làm giàu của nước này đã vượt quá phạm vi giới hạn của JCPOA. Tỷ lệ làm giàu urani ở mức 4,5% của Iran vẫn thấp hơn nhiều so với mức hơn 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Iran hiện vẫn chưa nêu cụ thể những bước đi tiếp theo mà nước này có thể thực hiện, nhưng nhiều lần nhấn mạnh các hành động của Tehran có thể được đảo ngược "trong vòng vài giờ đồng hồ" nếu các đối tác châu Âu thực hiện các cam kết của mình.