Ngày 29/4, hơn 3.000 người biểu tình ủng hộ Nga đã xông vào tòa nhà chính quyền khu vực ở thành phố Lugansk, miền Đông Ukraine. .
Một nhóm gồm khoảng 20 thanh niên cầm gậy sắt đã đập vỡ một cửa sổ để xông vào trong tòa nhà, nơi không có cảnh sát bảo vệ. Trong khi đó, đám đông đang đợi ở bên ngoài để tiến vào tòa nhà.
Các tay súng bịt mặt bao vây bên ngoài chi nhánh ngân hàng Private ở Donetsk ngày 28/4. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ba tuần trước, các phần tử vũ trang ủng hộ Moskva cũng chiếm trụ sở cơ quan an ninh SBU ở Lugansk, thành phố với 465.000 dân gần biên giới với Nga.
Trong khi đó, với nỗ lực làm dịu căng thẳng ở các khu vực miền Đông nước này, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk ngày 29/4 đã hối thúc các nhà lập pháp sửa đổi hiến pháp để trao thêm quyền lực cho chính quyền địa phương. Phát biểu trước quốc hội, ông Yatsenyuk nói: "Việc quyền lực tập trung quá nhiều ở chính quyền trung ương cần được bãi bỏ, và một phần quan trọng trong số những quyền lực về chính trị, kinh tế, tài chính, xã hội và con người phải được chuyển giao cho các cộng đồng địa phương". Ông đã kêu gọi các đảng phái chính trị thông qua đề nghị sửa đổi hiến pháp trước khi tiến hành bầu cử tổng thống vào ngày 25/5 tới.
Cải cách hiến pháp về phân quyền là một trong những yêu cầu chủ chốt của người biểu tình ủng hộ Nga - những người đang chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở nhiều thành phố miền Đông Ukraine.
Trong một diễn biến khác ngày 29/4, Nga đã bày tỏ thất vọng trước quyết định của Nhật Bản áp đặt lệnh cấm thị thực đối với 23 cá nhân liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cam kết đáp trả hành động mà Moskva gọi là “bước đi vụng về” của Tokyo dưới sức ép của Phương Tây.
Trong một tuyên bố, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói: “Quyết định ngày hôm nay của Tokyo đã gây thất vọng và đương nhiên sẽ nhận được câu trả lời. Bước đi vụng về này rõ ràng được đưa ra dưới ép bên ngoài và đi ngược lại các tuyên bố của Tokyo về tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ với Nga. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng nói chuyện với chúng tôi bằng giọng điệu trừng phạt sẽ chỉ phản tác dụng”.
Liên quan đến vấn đề trừng phạt, hãng Interfax đưa tin Nga đang nỗ lực đáp trả lệnh trừng phạt mới được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhằm chống lại Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nguồn tin trên dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cho biết: "Sau làn sóng trừng phạt thứ hai, Chính phủ (Nga) đang soạn thảo các biện pháp đáp trả, đầu tiên là đánh giá nguy cơ thiệt hại đối với nền kinh tế của chúng tôi. Các vụ tấn công bất lợi như vậy... không thể diễn ra mà không bị đáp trả và tôi tin rằng chắc chắn phải có sự đáp trả".
T.N