Phe biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan ngày 24/12 đã từ bỏ việc ngăn cản các ứng cử viên đăng ký tham gia cuộc bầu cử vào ngày 2/2 năm sau. Tuy nhiên, họ tuyên bố sẽ tiếp tục công kích Thủ tướng Yingluck Shinawatra và gây trở ngại cho cuộc bầu cử mà nhà lãnh đạo này được cho là sẽ giành chiến thắng.Ngày 20/12, người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại thủ đô Bangkok nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức. Ảnh: AFP-TTXVN |
Bế tắc tranh cử đã kéo dài ngay sau khi ngày 23/12, khu vực đăng ký tranh cử được mở ra ở một sân vận động tại thủ đô Bangkok. Người biểu tình bao vây địa điểm này, cản trở các ứng cử viên đăng ký. Theo quy định, sau khi tiếp nhận danh sách ứng cử viên, Ủy ban Bầu cử sẽ kiểm tra, thẩm định và tổ chức bốc thăm lá số tranh cử. Đây là những thủ tục chính buộc các đảng đăng ký phải có mặt. Tuy nhiên, vấn đề là họ không thể vào nơi tiến hành bốc thăm để hoàn tất thủ tục này vì người biểu tình vẫn bao vây khu vực đăng ký tranh cử.
Tình hình có sự thay đổi khi ngày 24/12, thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết đã ngừng động thái bao vây trên. Tuy nhiên, nhân vật này cam kết sẽ thúc đẩy chiến dịch và "đánh bật" bà Yingluck khỏi nhiệm sở.
Thủ lĩnh phong trào biểu tình Thaugsuban nói với những người ủng hộ mình: "Nếu bà Yingluck không từ chức hay vẫn tại vị cho đến ngày 2/2, chúng ta sẽ phong tỏa tất cả các khu vực của Bangkok và sẽ không cho phép bất kỳ người Bangkok nào bỏ phiếu. Nếu các bạn thấy bà Yingluck ở đâu, hãy thông báo cho chúng tôi hay đăng thông tin lên các phương tiện truyền thông xã hội".
Mặc dù phe biểu tình có những động thái cản trở, tổng cộng 35 đảng phái tại Thái Lan đã hoàn tất việc đăng ký bầu cử. Ngày 24/12, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã tái khẳng định cuộc bầu cử sẽ diễn ra đúng kế hoạch. Về phần mình, bà Yingluck đang tiến hành vận động tranh cử tại các địa phương ủng hộ đảng Puea Thai (Vì nước Thái) ở miền bắc Thái Lan. Chương trình này của bà Yingluck vừa được thông báo sẽ kéo dài cho đến năm mới.
Cuộc bầu cử phía trước của Thái Lan hiện còn chịu thêm áp lực từ sự tẩy chay của đảng Dân chủ. Đảng đối lập chính này chưa từng giành thắng lợi tại các cuộc bầu cử trong 21 năm qua, tuy nhiên được hậu thuẫn bởi nhiều quan chức, tướng lĩnh và các nhân vật bảo thủ vốn không mấy thiện cảm với anh trai bà Yingluck là Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng Thái Lan đang lưu vong. Đảng Dân chủ có được sự ủng hộ ở Bangkok và miền Nam, tương tự như phong trào của ông Suthep.
Tình trạng bất ổn tại Thái Lan đã gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này. Thái Lan đã phải hoãn kế hoạch đầu tư 65 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng mà chính phủ hy vọng sẽ bù đắp những khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngày 23/12, đồng baht đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm so với đồng USD. Ngành du lịch của đất nước từng được mệnh danh là "xứ sở nụ cười" cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng chính trị.
TTXVN/Tin tức