Không tránh khỏi làn sóng đóng cửa ồ ạt, ông Ricardo Klausner, chủ nhà hàng Latekla, đã rất đau xót khi phải bán đấu giá tất cả vật dụng trong nhà hàng để lấy tiền trả lương cho nhân viên và nói lời tạm biệt với công việc kinh doanh mà ông đã theo đuổi suốt 26 năm qua. Ông buộc phải đưa ra quyết định trên sau khi trải qua kỳ Giáng sinh có doanh thu tồi tệ nhất, một mùa Hè ảm đạm và ngay sau đó, là đại dịch COVID-19 bủa vây. Theo ông, cho dù đại dịch chấm dứt, cuộc khủng hoảng vẫn sẽ tiếp diễn, còn người dân vẫn phải "thắt lưng buộc bụng" vì lo sợ tương lai bấp bênh.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Buenos Aires thực hiện, ít nhất 18% trong số 110.000 doanh nghiệp ở thủ đô đã phải đóng cửa kể từ khi đại dịch bùng phát ở Argentina. Khách sạn, phòng tập thể dục, dịch vụ rửa xe và tiệm cắt tóc đến nay vẫn chưa mở cửa trở lại, trong khi các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi, khiến lợi nhuận giảm 25%. Cho đến thời điểm được mở cửa trở lại, có tới 25-35% số doanh nghiệp đã phải đóng cửa, kéo theo làn sóng thất nghiệp gia tăng.
Những tối gần đây, các con phố quanh quảng trường Cortazar ở khu Palermo Viejo, trung tâm Buenos Aires, bỗng hoang vắng lạ thường. Các quán bar, nhà hàng thời thượng một thời chật kín khách thì nay buông rèm, thưa thớt người qua lại. Làm chủ quán bar Bad Toro được 9 năm, ông Santiago Olivera chỉ cảm thấy tương lai u ám ở phía trước. Phí thuê chỗ và duy trì hoạt động cao trong khi kinh doanh liên tục gặp khó khăn trong hai năm qua, và đỉnh điểm là 3 tháng phong tỏa phòng dịch COVID-19 đã khiến quán bar của ông mất hoàn toàn nguồn thu. Không chỉ có Bad Toro, có tới 5 doanh nghiệp khác trên con phố này cũng đã quyết định không mở cửa trở lại.
Từ năm 2018, nền kinh tế Argentina đã lâm vào suy thoái. Tình hình trong năm 2020 càng thêm trầm trọng do tác động của đại dịch. Giới chức nước này dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm tới 6,5% trong năm nay. Trong khi đó, Chính phủ Argentina vẫn chưa tìm ra lối thoát trong các cuộc đàm phán tái cơ cấu khoản nợ trái phiếu trị giá 66 tỷ USD. Sau 2 năm rơi vào suy thoái, quốc gia Nam Mỹ này đang nợ 324 tỷ USD, tương đương khoảng 90% GDP.