Theo hãng tin AFP, hàng triệu người tiêu dùng và các chủ doanh nghiệp nhỏ ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã phải điêu đứng trong nhiều tháng qua bởi giá dầu ăn tăng chóng mặt.
Khi xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nhà sản xuất hạt hướng dương và ngũ cốc lớn - nổ ra, thị trường toàn cầu đã vô cùng lo lắng. Nhiều nhà sản xuất nội địa Indonesia phải vội vã xuất khẩu nhằm thu lợi nhờ tỷ giá tăng cao. Do đó, chính phủ nước này đã áp lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn vào cuối tháng 4 và vừa dỡ bỏ vào tháng 5.
Bà Setiana thường đến siêu thị cách làng Baruharjo ở Đông Java hơn 1 tiếng để mua một dầu cọ, khoảng 8 lít mỗi ngày, giúp duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, bà đã bị từ chối vì những người bán hàng giới hạn nghiêm ngặt lượng dầu mà mỗi khách hàng có thể mua.
Người phụ nữ 49 tuổi từng kiếm tới 52 USD/ngày chia sẻ: “Tôi đang rất tức giận. Tôi đã nói với các nhân viên rằng tôi thực sự cần dầu ăn cho mục đích cá nhân, không phải để tích trữ. Tại sao chúng ta lại thiếu dầu ăn khi Indonesia là nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới?”.
Cuộc chiến giành nguồn cung dầu của bà Setiana chỉ là một lát cắt trong cuộc khủng hoảng dầu ăn ở Indonesia. Trên khắp hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, Java và những nơi khác như Borneo, nhiều người phải xếp hàng dài nhiều giờ đồng hồ để mua được mặt hàng này.
Theo truyền thông địa phương, vào tháng 3, đã có 2 người đã chết vì kiệt sức khi phải chờ đợi quá lâu dưới cái nắng gay gắt để mua dầu ăn với giá 20.100 rupiah/lít. Trong đó, một người đã phải xếp hàng tại 3 siêu thị khác nhau.
Indonesia sản xuất khoảng 60% nguồn cung dầu cọ toàn cầu, với 1/3 tiêu thụ trong nước. Ấn Độ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Pakistan là một trong những khách hàng xuất khẩu chính của nước này. Việc siết chặt dầu ăn trong nước đã buộc chính phủ phải áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đã được dỡ bỏ vào tháng trước, giúp giảm giá và giảm nguồn cung trong nước.
Nhưng vào cuối tháng 5, giá dầu ăn trong nước vẫn dao động ở mức trung bình khoảng 18.300 rupiah/lít, cao hơn mục tiêu của chính phủ là 14.000 rupiah.
Giá dầu tăng đột biến khiến nhiều người phải đưa ra quyết định khó khăn. Ông Sutaryo, điều hành một công ty kinh doanh đồ ăn nhanh ở Nam Jakarta, cho biết ông buộc phải tăng giá và sa thải 4 nhân viên để duy trì hoạt động. Ông nói: “Sau khi giá dầu ăn tăng vọt, chúng tôi phải tính toán chi phí sản xuất thông minh hơn. Các khách hàng của tôi không còn lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận tăng giá”.
Khi nhu cầu vẫn chưa phục hồi, sản lượng tại nhà máy của ông Sutaryo đã giảm từ 300 xuống 100 kg/ngày. Doanh thu cũng giảm từ mức 15 triệu rupiah/ngày trước đại dịch xuống còn 6 triệu rupiah/ngày. Ông cho biết hiện nay, nhu cầu của khách hàng khác xa với thời cao điểm trước đại dịch.
Trong khi đó, ông Mohammad Faisal, Giám đốc điều hành Trung tâm Cải cách Kinh tế (CORE Indonesia), cho biết giá dầu ăn vốn đã tăng vào năm 2021, nhưng tác động của xung đột tại Ukraine đã khiến giá tăng lên mức cao kỷ lục. Ông nói rằng chính phủ đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung trong nước để khắc phục tình trạng khan hiếm hiện nay. Tuy nhiên, giá dầu ăn vẫn ở mức cao đối với những người sống ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa như bà Setiana.
“Những người có thu nhập thấp hơn sẽ phải chịu tác động đáng kể, vì giá cả của các mặt hàng khác cũng tăng”, ông Faisal nói.
Trong bối cảnh giá cả hàng hoá trong nước khó có thể giảm, thu nhập ít ỏi và chồng mất việc, bà Setiana đang đối mặt với những mối lo khác: đó là không đủ điều kiện trang trải học phí cho các con. “Nếu giá các mặt hàng thiết yếu tăng, chúng tôi không thể chi trả các chi phí khác”, bà nói.