Đài Al Jazeera cho biết, theo các nhà báo và nhà hoạt động địa phương, thường dân Kurd thuộc mọi lứa tuổi, hiện trú ẩn trong những lều lán khổng lồ, đang bắt đầu đổ về các thị trấn Ras al-Ain, Tal Abyad và Kobane.
“Họ muốn đứng lên làm lá chắn sống để ngăn bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Arin Sheikhmous, một nhà hoạt động tại Qamishli, miền Bắc Syria, nói. Qamishli cũng là nơi có hàng trăm thường dân Kurd đang tụ tập xung quanh một văn phòng của Liên hợp quốc để kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động can thiệp.
Các cuộc tụ tập của cộng đồng người Kurd, vốn đang hoang mang trước mối đe dọa quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra một ngày sau khi Mỹ thông báo quyết định rút lực lượng khỏi các khu vực Đông Bắc Syria.
Động thái của Washington mở đường cho Ankara tiến hành một chiến dịch bộ binh ngang qua biên giới, đẩy Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo vào nguy hiểm. Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng này là “khủng bố”.
Xem video lực lượng Mỹ rút quân (Nguồn: Al-Jazeera):
Ankara hiện vẫn chưa tiết lộ phạm vi chính xác của chiến dịch, nhưng từ lâu đã cho biết họ muốn lập một “khu vực an toàn” nằm sâu hơn trong lãnh thổ Syria.
Trong khi đó, SDF, lực lượng mũi nhọn trong chiến dịch chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ lãnh đạo, đã mô tả thông báo rút quân của Washington là một “cú đâm sau lưng”, "một sự phản bội", nhưng thề sẽ “bảo vệ đất đai của chúng tôi bằng mọi giá”.
Được thành lập năm 2015, SDF tuyên bố muốn thiết lập một liên bang tự trị ở miền Bắc Syria, nhưng không đòi tách ra độc lập. Nhóm vũ trang này chủ yếu bao gồm các chiến binh Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) và các nhóm nhỏ hơn người Arab, Turkmen và Armenia. SDF đang kiểm soát một vùng rộng lớn, trải dài 480km từ phía Đông sông Euphrate tới biên giới với Iraq – tương đương khoảng 1/4 diện tích lãnh thổ Syria.
Theo nhà hoạt động Sheikhmous, tất cả các thành phần xã hội trong khu vực bao gồm người Kurd, Arab và Syriac - một nhóm theo Kitô giáo cổ - đều phản đối một cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi đều lo sợ nếu Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân tới khu vực, tiếp đó sẽ là các cuộc tàn sát”, Sheikhmous lo ngại.
Có gần 5 triệu thường dân ở khu vực Đông Bắc Syria, bao gồm hàng trăm nghìn người Syria tha hương, chạy trốn trong 8 năm xung đột từ khắp mọi miền đất nước. "Vùng người Kurd ở miền Bắc là khu vực duy nhất đã tránh khỏi một cuộc tấn công tổng lực hủy diệt trong cuộc nội chiến của đất nước. Và chúng tôi muốn duy trì nơi đây theo cách đó", ông Sheikhmous nói.
Về phần mình, Ankara, vốn coi SDF là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà họ từ lâu đã xếp vào danh sách “tổ chức khủng bố”, mong muốn quét sạch lực lượng chiến binh Kurd khỏi vùng biên giới.
Video thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ dồn dập tiến sát biên giới Syria (Nguồn: TRT World Now)
PKK đã phát động chiến dịch vũ trang kéo dài nhiều thập kỷ qua nhằm đòi lãnh thổ tự trị tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc xung đột giữa lực lượng này với quân chính phủ đã khiến ước tính 40.000 người thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố họ muốn thiết lập “vùng an toàn” trải rộng 32 km vào lãnh thổ Syria ở khu vực Đông Bắc, nhằm tạo điều kiện cho khoảng 2 triệu người tị nạn trở về. Thổ Nhĩ Kỳ đang là nơi nương náu cho trên 3,6 triệu người tị nạn Syria.
“Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm an ninh biên giới, như bất kỳ quốc gia nào khác quan tâm đến an ninh biên giới của họ”, ông Ibrahim Kalin, Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định hôm 7/10. “Chúng tôi phải quan tâm đến an ninh biên giới và đảm bảo người tị nạn Syria trở về nhà của họ, một cách an toàn và tự nguyện”.
Chiến dịch tấn công của Ankara nếu diễn ra sẽ là lần thứ hai trong gần hai năm Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria. Lần trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được Afrin, thành phố ở phía Tây sông Euphrates. Chiến dịch diễn ra vào tháng 3/2018 này đã khiến 150.000 thường dân phải sơ tán.