Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trong thông báo đưa ra ngày 15/3, Ban Chỉ đạo chống dịch cho biết thiết bị theo dõi y tế có giá thuê 6 USD/ngày. Bên cạnh việc tích hợp GPS để xác định vị trí người đeo, thiết bị còn có các chức năng như đo thân nhiệt, nhịp tim, nút bấm yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp và sẽ tự động gửi cảnh báo nếu phát hiện thấy thân nhiệt bất thường của người đeo.
Việc áp đặt yêu cầu thuê thiết bị theo dõi y tế xuất phát từ các báo cáo về việc người cách ly tự ý rời khỏi khách sạn mà không được phép. Thông báo cho biết các cán bộ ngoại giao, nhân viên Liên hợp quốc (LHQ) là những đối tượng được miễn mua bảo hiểm và thuê thiết bị theo dõi.
Hiện bảo hiểm COVID-19, đang được bán thí điểm tại sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Viêng Chăn, có giá 100 USD cho 21 ngày, 150 USD trong 45 ngày và 250 USD cho 60 ngày, áp dụng đối với người từ 1-90 tuổi. Người mua bảo hiểm có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được chi trả từ 10.000-20.000 USD. Ngoài việc phải mua bảo hiểm và đeo thiết bị theo dõi sức khỏe, người nhập cảnh vẫn phải chấp hành quy định cách ly bắt buộc trong 14 ngày.
Đến nay Lào vẫn tiếp tục triển khai việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đợt 1 cho các đối tượng ưu tiên gồm nhân viên y tế, cán bộ chức năng cửa khẩu, người quản lý trung tâm cách ly….Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã tiêm mũi vaccine thứ nhất cho hơn 40.000 người trong tổng số 300.000 nghìn liều vaccine của Sinovax được Trung Quốc viện trợ gần đây. Dự kiến tới ngày 20/3 sẽ kết thúc việc tiêm mũi vaccine thứ nhất cho các đối tượng ưu tiên kể trên.
Với việc số vaccine cho Trung Quốc viện trợ tới nay mới chỉ đủ cung cấp cho 2% dân số Lào, chính phủ nước này hiện cũng đang phối hợp với cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng nhằm đảm bảo việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm nguy cơ khác.
* Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 15/3 đã bác bỏ khả năng sớm mở cửa lại đường biên giới chung với Mỹ trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang đặt ra những rủi ro nghiêm trọng đối với y tế công cộng.
Người dân Canada đang mong chờ ngày mà hoạt động đi lại thường xuyên qua biên giới vì lý do không thiết yếu sẽ được khôi phục. Thủ tướng Trudeau cho rằng ngày này chắc chắn sẽ đến, nhưng không phải là ngay bây giờ do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Thủ tướng kêu gọi người dân kiên nhẫn chờ tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Các cuộc thảo luận gần đây giữa Thủ tướng Trudeau với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken, cùng với tâm lý lạc quan ở Mỹ đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc khôi phục hoạt động đi lại qua biên giới.
Tuần trước, Tổng thống Biden đã để ngỏ khả năng cho phép các cuộc tụ họp nhỏ trước kỳ nghỉ lễ ngày 4/7 ở Mỹ, nhờ kho dự trữ vaccine dồi dào và chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, ở Canada, nơi hoạt động mua và phân phối vaccine kém thành công hơn, chính phủ không vội vàng dỡ bỏ các hạn chế và phần nào hài lòng khi chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại xuyên biên giới phần lớn vẫn được giữ nguyên vẹn.
Điều này đã không ngăn cản một số nhà lập pháp Mỹ, cũng như nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tăng cường các chiến dịch để khơi thông hoạt động đi lại quốc tế. Nghị sĩ bang New York Brian Higgins đang hối thúc Tổng thống Biden ưu tiên nới lỏng dần các biện pháp hạn chế ở biên giới. Nghị sĩ bang Washington, bà Suzan DelBene cho biết, trong năm 2018 đã có gần 7 triệu lượt khách Canada đến hạt Whatcom (chung biên giới với tỉnh British Columbia) và chi tiêu ước tính khoảng 1 triệu USD tại các cửa hàng và doanh nghiệp địa phương.
Canada và Mỹ có chung đường biên giới dài nhất thế giới, với một lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 2,7 tỷ CAD (2,15 tỷ USD) đi qua mỗi ngày. Theo thống kê mới nhất, kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Mỹ đã bùng nổ trong tháng 1 vừa qua khi tăng 11,3% và đạt mức 37,2 tỷ CAD.