Thành phố Edirne với nhiều nhà thờ Hồi giáo nằm ở phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, là thủ đô ban đầu của Đế chế Ottoman khi mở rộng ra khắp Trung Đông và châu Âu vào thế kỷ 14 và 15. Hiện thành phố là nơi mà khách mua sắm từ Bulgaria và Balkan, những quốc gia “nghèo nhất” châu Âu, tới để mua sắm mọi thứ, từ đồ lót đến quả óc chó với một phần chi phí thấp hơn so với khi trở về quê nhà.
Trước khi lên xe bus để quay trở về thị trấn Yambol (Bulgaria), hướng dẫn viên du lịch Daniela Mircheva cho biết: “Đối với chúng tôi, cuộc khủng khoảng tiền tệ là tốt, nhưng nó rất tồi tệ đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỹ bị phá giá do ảnh hưởng của cuộc thử nghiệm kinh tế bất thường của chính quyền Tổng thống Erdogan trong nỗ lực thúc đẩy sự ủng hộ trước khi các cuộc bầu cử diễn ra vào giữa năm 2023.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất hơn 50% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay và trên đà giảm mạnh nhất kể từ năm 1995. Đà trượt giá này khó có thể dừng do Ngân hàng trung ương không có lượng dự trữ ngoại hối đáng kể.
Dưới áp lực của Tổng thống Erdogan, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất 500 điểm cơ bản kể từ tháng 9/2021. Ông Erdogan cho biết mô hình này sẽ thúc đẩy xuất khẩu, việc làm và đầu tư, đồng thời đạt được tăng trưởng cao. Các nhà kinh tế đã gọi thử nghiệm của ông là "liều lĩnh".
Không những vậy, theo dự đoán của các nhà kinh tế học, việc giảm lãi suất đang đem lại tác dụng hoàn toàn ngược lại. Giá tiêu dùng đã tăng tốc độ thường kỳ lên tới hơn 20%. Giới chuyên gia dự báo đà tăng giá có thể tăng nhanh trong vài tháng tới.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/12 đã hạ lãi suất tháng thứ tư liên tiếp, từ 15% xuống 14%. Trong nỗ lực nhằm hỗ trợ những người lao động gặp khó khăn, ông Erdogan ngày 16/12 đã thông báo tăng gần 50% lương tối thiểu. Ông Erdogan cho rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ giúp người lao động có thể vượt qua được những khó khăn do việc giá cả tăng.
Trong khi đó, ông Bulent Reisoglu, người điều hành chợ Edirne từ khi chợ mở cửa sau khi chuyển từ địa điểm ban đầu ở Istanbul từ 15 năm trước, cho biết lượng người mua sắm hàng tuần đến đây, đã tăng từ 50.000 người lên gần 150.000 người kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ. Ông Reisoglu nói: “Lượng người mua sắm nước ngoài đã tăng gấp bốn hoặc năm lần”. Tuy nhiên, nhiều thương gia đang có lợi nhuận thấp hơn bởi doanh số bán hàng tăng thêm không đủ bù đắp cho sự trượt giá của đồng lira.
Theo ông Reisoglu, tất cả nguyên liệu thô đều đến từ nước ngoài, như châu Âu, Trung Quốc và Italy, và giá những thứ này đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Ông Reisoglu nói: “Chúng tôi đang bị sốc. Không ai mong đợi sự mất giá lớn đến thế này”.
Những người mua sắm Bulgaria dường như cũng có cảm xúc lẫn lộn khi nhận được những ưu đãi lớn đến thế này. Một người mua sắm Bulgaria Ilyana Todorova nói: “Người dân địa phương không thể mua tất cả những thứ này. Đối với người bình thường, điều này không có gì là tốt”.