Đài Sputnik (Nga) đưa tin bác sĩ Joseph Mercola được xác định là đối tượng số 1 trong danh sách 12 đối tượng bị cáo buộc chịu trách nhiệm về “65% thông điệp chống vaccine COVID-19 trên phương tiện truyền thông Mỹ”.
Theo Trung tâm Chống thù hằn kỹ thuật số (CCDH), bác sĩ Mercola, một doanh nhân am hiểu về Internet, đã đăng hơn 600 bài viết trên mạng xã hội Facebook gây hoài nghi về vaccine COVID-19. Song thay vì bài bác bỏ trực tiếp rằng vaccine không có tác dụng, các bài đăng của Mercola chủ yếu cố tình đề cập đến những thắc mắc về tính an toàn của vaccine.
Giám đốc CCDH Imran Ahmed nhận định: "Ông ta đã lợi dụng và khai thác mạng xã hội một cách khéo léo và tàn nhẫn để lôi kéo mọi người theo cách suy nghĩ của ông ấy”.
Các bài viết của Mercola vẫn được Facebook và Twitter cho phép đăng trên nền tảng, song đã bị dán nhãn cảnh báo cho người xem.
Tuy nhiên, đối tượng cho biết đối với ông, việc được mệnh danh là “người siêu lan truyền thông tin sai lệch số 1 nước Mỹ là khá đặc biệt”. Lập luận rằng một số bài đăng của mình chỉ được hàng trăm người thích, Mercola nói rằng ông không hiểu “làm thế nào mà số lượng độc giả theo dõi nhỏ như vậy lại có thể gây ra tai họa cho chiến dịch tiêm chủng trị giá hàng tỉ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden”.
"Tôi là tác giả chính của một bài nghiên cứu được đánh giá cao liên quan đến vitamin D và nguy cơ mắc bệnh COVID-19. Tôi có mọi quyền thông báo cho công chúng bằng cách chia sẻ nghiên cứu y tế của mình", ông Mercola nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tờ New York Times chỉ ra rằng bác sĩ Mercola vẫn chưa xác định rõ “liệu các tuyên bố về dịch bệnh COVID-19 của ông có phải là sự thật hay không”.
Trước đó, theo khảo sát của CCDH, một nhóm chỉ 12 người - bao gồm các nhà hoạt động, doanh nhân và cả bác sĩ - đã tạo ra đến 65% thông tin sai lệch về vaccine COVID-19 trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter và Instagram. Nhóm này có nhiều tài khoản khác nhau với hơn 59 triệu người theo dõi, khiến các thông tin sai lệch lan truyền mạnh mẽ trên mạng. Họ cũng góp phần không nhỏ khiến nhiều người sợ đi tiêm ngừa COVID-19 trong bối cảnh các nước đang đẩy mạnh việc tiêm chủng.
Nhóm "siêu lan truyền" tin giả này chủ yếu gieo rắc các thông tin như cho rằng đại dịch COVID-19 không có thật, tiêm phòng không phải là cách đối phó với COVID-19 và chỉ trích những người ủng hộ vaccine.