Theo tờ Straits Times, nhân viên bảo hiểm Yuan Jiahui, 51 tuổi, cho biết bà sẽ tiếp tục đón Tết Nguyên Đán xa người thân trong năm nay. Theo những biện pháp phòng dịch của công ty chồng và trường học của con, gia đình họ không được phép rời khỏi Bắc Kinh. Nếu thành viên nào vi phạm, họ có thể bị phạt.
“Tôi không muốn ảnh hưởng đến công việc của chồng tôi và việc học tập của các con. Vì vậy, đó là sự hy sinh mà tôi cần làm, mặc dù bố mẹ tôi sống ở khu vực chỉ cách Bắc Kinh 2 tiếng đi xe. Tôi đã không gặp họ suốt 3 năm rồi”, bà chia sẻ.
Khi bước sang năm thứ 3 của đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược “zero COVID-19”, áp đặt phong toả nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt nhằm loại bỏ hoàn toàn virus. Trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cận kề, chính phủ nước này đang nỗ lực vận động người dân hạn chế đi lại và không về quê đón Tết.
Kỳ nghỉ Tết năm nay ở Trung Quốc kéo dài 40 ngày, từ ngày 17/1 đến ngày 25/2, khoảng thời gian diễn ra Xuân vận lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, khi một số người dân quyết định ở lại các thành phố lớn để ăn Tết nhằm ngăn COVID-19 lây lan, các nhà khai thác vận tải có số lượng khách ít ỏi. Các doanh nghiệp xe buýt và tàu hoả của Trung Quốc đã bắt đầu mở bán vé Tết từ ngày 3/1, nhưng số lượng vé bán ra rất ít, đặc biệt là tại Bắc Kinh.
Ông Hu Wei, 46 tuổi, quản lý một đội xe ô tô và xe tải nhỏ, cho biết lượng đặt chỗ giảm khoảng 30% trong năm nay.
“Trước đây, chúng tôi thường kín chỗ trước Tết Nguyên đán một tháng. Nhưng năm nay, mọi người đang chần chừ vì muốn chờ xem tình hình dịch bệnh có cải thiện hay không”, ông nói.
Theo thông báo của chính phủ, các nhà điều hành du lịch phải đảm bảo cho hành khách thực hiện bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, các địa điểm du lịch được yêu cầu hạn chế số lượng du khách hàng ngày.
Trung Quốc đang phải chống chọi với đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất kể từ đợt dịch đầu tiên ở Vũ Hán. Nhiều doanh nghiệp nước này đã khuyến khích người lao động không đi lại nếu không cần thiết, phòng trường hợp vùng quê nơi họ sinh sống bị phong toả đột ngột hoặc tệ hơn là mắc bệnh.
Một quận tại thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, cũng đã kêu gọi công chức, viên chức và các đảng viên làm gương bằng cách ăn Tết tại chỗ thay vì về quê, tránh di chuyển không cần thiết. Địa phương này cũng khuyến khích người dân thuyết phục người thân của mình ở nước ngoài, hay từ những khu vực có nguy cơ lây nhiễm trung bình và cao trong nước, không về quê đón Tết.
Nhưng những hạn chế này đang gây áp lực lớn đối với một số người, chẳng hạn như cô Yuan, có cha mẹ già sống ở tỉnh Hà Bắc, tỉnh lân cận Bắc Kinh.
“Họ là những người làng quê không thích thành phố, vì vậy trở về quê thăm họ là cách duy nhất. Nhưng nếu tôi về quê, chồng con tôi có thể bị phạt. Không rõ những biện pháp này khi nào mới chấm dứt?”, cô nói.
Ở các thành phố khác như Vũ Hán, các biện pháp được nới lỏng hơn. Ông Wang Jing, người điều hành một nhà hàng Quảng Đông, đã mua vé xe về quê đón Tết.
“Tôi đã lớn tuổi rồi. Không có gì ngăn cản tôi rời đi hay quay lại. Tất nhiên tôi muốn dành thời gian cho gia đình trong dịp Tết này”, người đàn ông 67 tuổi quê ở Quảng Châu, chia sẻ.
Khi Bắc Kinh đang gấp rút chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022, khai mạc vào ngày 4/2 sắp tới, thủ đô đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ. Bất kỳ ai vào thành phố đều phải xét nghiệm COVID-19 bắt buộc và chỉ những người đã được tiêm phòng đầy đủ mới được phép tham dự các sự kiện nhất định. Ngoài ra, việc theo đuổi chính sách zero-COVID cũng có nghĩa là bất kỳ người nào có liên hệ chặt chẽ, hoặc đã đến khu vực có nguy cơ cao hoặc trung bình, đều phải cách ly tại một cơ sở tập trung.