Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, nhiều du học sinh và lao động Việt Nam ở Nhật Bản vẫn an toàn sau trận động đất có cường độ cao kỷ lục trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản và các đợt sóng thần dữ dội xảy ra ở phía Đông Bắc Nhật Bản chiều 11/3 vừa qua.
Anh Nguyễn Ngọc Tú, Chủ tịch Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), cho biết vào sáng 12/3, anh đã liên lạc được qua tin nhắn với sinh viên Đồng Quang Điệp, quê ở Hải Dương, hiện đang theo học tại Trường Đại học Tohoku ở thành phố Xenđai (Sendai), thủ phủ của tỉnh Miyagi - một trong những địa phương ở Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các trận động đất và sóng thần vừa qua.
Cảnh đổ nát sau trận động đất và sóng thần. |
Theo sinh viên Điệp, hiện tại có khoảng từ 30 đến 40 sinh viên của Việt Nam học tại Trường Đại học Tohoku đang trú tại khu lánh nạn của chính quyền thành phố Xenđai. Thật may mắn là trường đại học này nằm ở địa thế cao nên tất cả các sinh viên đều an toàn và không có trường hợp nào bị thương vong. Tuy nhiên, các hệ thống điện, nước và ga trong khu vực này vẫn chưa hoạt động trở lại kể từ sau trận động đất.
Một nguồn tin khác cho hay sau trận động đất kinh hoàng chiều qua, các sinh viên nói trên đã được phát lương thực và được sơ tán tới nơi an toàn. Sáng 12/3, họ đã trở về nhà. Tuy nhiên, họ đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp lương thực do các siêu thị và cửa hàng ở khu vực này đã đóng cửa. Nguồn tin này cũng cho biết các sinh viên ở thành phố lớn thứ 3 và thứ 4 về dân số ở Nhật Bản là Ôxaca (Osaka) và Nagôia (Nagoya) đều an toàn. Họ có thể cảm nhận được các rung chấn của trận động đất nhưng thảm họa này không gây thiệt hại gì về người và của.
Ở khu vực phía Nam, sinh viên Nguyễn Thị Thu Vân, hiện đang theo học tại Trường Đại học châu Á-Thái Bình Dương ở tỉnh Ôita (Oita), phía Nam Nhật Bản, cho biết tất cả các sinh viên Việt Nam tại trường đại học này vẫn đang trú ẩn tại nơi an toàn sau trận động đất trên.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch VYSA, vẫn chưa rõ số phận của các sinh viên khác đang theo học ở các tỉnh lân cận của tỉnh Miyagi như Aômôri (Aomori), Akita (Akita), Ioatê (Iwate) và Phưcưsima (Fukushima) cho dù số lượng không nhiều.
Trong khi đó, theo thông tin phóng viên TTXVN mới nhận được, đến 17 giờ chiều 12/3, có 4 tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc trong ngành cơ khí tại một khu vực cách thành phố Xenđai khoảng 30 phút đi bằng tàu điện hiện đang trú ẩn tại các nơi lánh nạn an toàn. Vào chiều 11/3, khi trận động đất khủng khiếp xảy ra, các lao động này vẫn đang làm việc. Ngay lập tức, họ đã được di dời tới nơi trú ẩn hiện nay. Sau đó, xí nghiệp này đã bị sập. Các lao động này vẫn chưa thể trở về nhà sau trận động đất trên. Cơ quan chức năng của Việt Nam đang cố gắng liên hệ với các lao động này để xác định số lượng lao động Việt Nam đang lánh nạn tại khu vực trên và số phận của các lao động khác.
Ở tỉnh Ibaraki (Ibaraki), một số lao động Việt Nam đã đi làm trở lại bình thường sau trận động đất. Nhiều lao động khác ở thủ đô Tôkiô và các tỉnh lân cận như Chiba (Chiba), Canagaoa (Kanagawa) và Gưnma (Gunma) cũng đang trong tình trạng an toàn.
Tại thủ đô Tôkiô, các cán bộ, nhân viên của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản như Đại sứ quán Việt Nam, TTXVN và Đài Tiếng nói Việt Nam… vẫn bình an, vô sự. Thảm họa vừa qua chỉ gây thiệt hại nhỏ về vật chất ở các cơ quan này.
Trong danh sách 564 người bị thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị mất tích mà Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản vừa công bố chiều 12/3 không có người Việt Nam. Cho đến nay, vẫn chưa ghi nhận trường hợp người Việt ở Nhật Bản bị thiệt mạng trong thảm họa khủng khiếp vừa qua.
Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, có khoảng 31.000 người Việt đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản dưới nhiều hình thức khác nhau như Việt kiều vĩnh trú tại Nhật Bản, lưu học sinh và tu nghiệp sinh, trong đó có khoảng 3.700 lưu học sinh và gần 17.000 tu nghiệp sinh.
TTXVN