Ban đầu, ngày 11/11 được coi như ngày lễ để kỷ niệm việc độc thân, nhằm phản đối Ngày lễ tình nhân, sự kiện này đã phát triển thành lễ hội mua sắm trực tuyến kéo dài 1 tuần tại Trung Quốc.
KHỞI NGUỒN Ý TƯỞNG "NGÀY ĐỘC THÂN"
Ý tưởng về "Ngày Độc thân" bắt nguồn từ Đại học Nam Kinh của Trung Quốc vào năm 1993. Vào ngày này, những người độc thân tự thưởng cho mình những món quà và quà tặng, đồng thời tổ chức các buổi họp mặt và tiệc tùng.
Ngoài ra bởi 4 số 1 đứng cạnh nhau gợi lên hình ảnh những cây gậy cô đơn, lẻ bóng.
Mặt khác, số 1 vốn được coi là chữ số của sự đơn độc trong quan điểm của nhiều người. Chính vì vậy, ngày này được thanh niên Trung Quốc gọi bằng nhiều cái tên như "Song thập nhất" (2 con số 11) hay "Quang côn tiết" (tết độc thân).
THÓI QUEN CHI TIÊU VÀO NGÀY 11/11
Năm ngoái, tổng giá trị hàng hóa được bán trong mùa mua sắm 11/11 đạt tổng cộng 1,15 nghìn tỷ nhân dân tệ (157,97 tỷ USD), theo dữ liệu từ công ty tư vấn Bain.
Con số này cao hơn bốn lần số tiền 35,3 tỷ USD mà người mua sắm ở Mỹ đã chi tiêu trong Tuần lễ Điện tử “Black Friday” vào năm ngoái. Đây được coi là những ngày mua sắm bận rộn nhất trong năm ở Mỹ.
11/11 là một trong những dịp để người đam mê mua sắm thỏa sức tận hưởng. Vào ngày này, các thương hiệu lớn, nhỏ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc ào ạt tung ra các chương trình giảm giá lớn. Thậm chí, có những món đồ giảm giá tới 80%.
Ban đầu, ngày lễ độc thân chỉ nhận được sự hưởng ứng của số ít người nhưng sau đó dần đã được lan rộng. Vào ngày 11/11, những người độc thân thường chọn mua sắm là việc phải làm để khỏa lấp đi sự “trống trải tâm hồn”.
Nắm bắt được nhu cầu này, năm 2009, tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba, đã thực hiện một chương trình khuyến mại dành riêng cho người độc thân vào "Ngày Độc thân" để họ tự do mua sắm.
Ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, Jack Ma đã hướng cho đội ngũ nhân viên chọn một ngày cố định để "siêu giảm giá", kích cầu mua sắm, tương tự ngày Black Friday của Mỹ và đó chính là ngày 11/11.
Vào ngày này, Alibaba tung ra hàng loạt các sự kiện giảm giá thu hút lượng khách hàng đông đảo tham gia mua sắm trực tuyến trên các trang thương mại điện tử Taobao, Tmall. Và Alibaba đã biến ngày 11/11 hàng năm trở thành “Ngày hội mua sắm”.
Jacob Cooke, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của WPIC Marketing + Technologies có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Chúng tôi lạc quan về mức tăng trưởng trong năm nay vì sự phục hồi dường như đang ổn định và mức tiêu thụ đang có xu hướng tăng rõ ràng hơn”.
Công ty tư vấn thương mại điện tử của ông kỳ vọng doanh số bán hàng cho sự kiện mua sắm 11/11 ở Trung Quốc sẽ tăng trong khoảng từ 14% đến 18% so với năm ngoái, cao hơn dự đoán của Adobe về mức tăng 5,4% trong doanh số Tuần lễ Điện tử.
JD.com (9618.HK) gia nhập vào năm 2012 và Pinduoduo thuộc sở hữu của PDD Holdings (PDD.O) cũng đã trở thành một công ty quan trọng, cung cấp các sản phẩm giá rẻ cạnh tranh với các nền tảng Tmall và Taobao thuộc sở hữu của Alibaba.
Năm ngoái, người mua sắm Trung Quốc chi nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm bổ sung, vitamin và các sản phẩm chăm sóc thú cưng. Những sản phẩm này dự kiến sẽ tiếp tục có nhu cầu cao trong năm nay, cùng với các sản phẩm tập trung vào phong cách sống hơn như trang phục thể thao và thiết bị thể thao.
Nhiều nhà bán lẻ cho biết người Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm và dịch vụ giúp cải thiện lối sống và tạo điều kiện cho họ thể hiện bản thân.
SO SÁNH GIỮA NGÀY ĐỘC THÂN VÀ BLACK FRIDAY
Để so sánh, trong khi "Ngày Độc thân" tập trung chủ yếu vào mua sắm trực tuyến và các ưu đãi lớn từ các nhãn hiệu nổi tiếng, "Black Friday"ở Mỹ thường là lúc người tiêu dùng tìm kiếm giảm giá và khuyến mãi tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Năm ngoái người tiêu dùng Mỹ đã mua nhiều đồ chơi Pokemon, Hot Wheels, TV, giày dép và nồi chiên không khí trong các khoảng thời gian mua sắm quan trọng vào Thứ Sáu Đen và Thứ Hai Điện Tử.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Bain và từ Adobe Analytics, từ năm 2014 đến năm 2021, Ngày Độc thân đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 34% hàng năm, so với mức tăng trung bình 17% của tuần lễ “Black Friday”.
Một số công ty Mỹ từ nhà sản xuất quần áo Nike (NKE.N) và Lululemon (LULU.O) đến công ty mỹ phẩm Estee Lauder (EL.N) và gã khổng lồ hàng tiêu dùng Procter & Gamble (PG.N) đều có sự hiện diện lớn trên thị trường Tmall và sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này.
Năm ngoái, Apple (AAPL.O), Nike và L'Oreal (OREP.PA) cũng nằm trong số những công ty thắng lớn nhất từ sự kiện này, cùng với các nhà sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc như Haier và Midea và thương hiệu đồ thể thao Anta.
Nike cho biết vào tháng 12 rằng nhu cầu mua sắm dịp 11/11 ở Trung Quốc đại lục đã tăng lên ở độ tuổi thanh thiếu niên, vượt xa ngành thể thao nói chung, với nhu cầu từ người tiêu dùng Thế hệ Z đối với thương hiệu này tăng 45% trong thời gian mua sắm ở Trung Quốc trên Tmall. JD.com đã ghi nhận rằng Apple đã bán được số sản phẩm trị giá hơn 1 tỷ nhân dân tệ trong đợt bán hàng cuối cùng của sự kiện.
Tuy nhiên, trong năm nay, một số công ty toàn cầu từ L'Oreal đến Estee Lauder đã có lập trường thận trọng xung quanh việc chi tiêu rầm rộ ở Trung Quốc trong sự kiện mua sắm. Giám đốc điều hành Estee Lauder, Fabrizio Freda, cho biết năm nay số lượng sản phầm bán ra vào tuần lễ 11/11 không cao như năm trước.