EEA nêu rõ: "Nếu không có các biện pháp ứng phó (với biến đổi khí hậu), theo kịch bản nhiệt độ Trái Đất tăng 3 độ C vào năm 2100, 90.000 người ở châu Âu có thể tử vong do nắng nóng mỗi năm. Con số này sẽ giảm xuống 30.000 người/năm nếu mức tăng nhiệt toàn cầu là 1,5 độ C".
EEA dẫn số liệu bảo hiểm cho thấy khoảng 129.000 người ở châu Âu đã tử vong do các đợt nắng nóng xảy ra trong giai đoạn từ năm 1980-2020. Tuy nhiên, các đợt nắng nóng xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, dân số già hóa và tiến trình đô thị hóa gia tăng có thể khiến số người tử vong tăng trong những năm tới, nhất là ở phía Nam lục địa Già.
Hôm 7/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết từ đầu năm tới nay, ít nhất 15.000 người ở châu Âu đã tử vong do nắng nóng. Trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua là giai đoạn nóng nhất tại châu Âu, với nền nhiệt tăng bất thường khiến cho nạn hạn hán ở châu lục này trở nên khốc liệt chưa từng có kể từ thời Trung cổ .
Ngoài nguy cơ nắng nóng, EEA cho biết biến đổi khí hậu có thể khiến cho châu lục này dễ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết do muỗi gây ra. Nước biển ấm hơn trở thành nơi thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, nhất là ở những vùng dọc bờ biển Baltic.
EEA nhấn mạnh gần như hầu hết số ca tử vong do liên quan tới nắng nóng đều có thể ngăn chặn được ở châu Âu, đồng thời cho rằng để làm giảm tác động của nắng nóng đối với sức khỏe người dân, các nước châu Âu cần triển khai một loạt biện pháp, như đề ra kế hoạch hành động y tế phòng chống nắng nóng hiệu quả, làm xanh môi trường đô thị, thiết kế và xây dựng các tòa nhà phù hợp, điều chỉnh giờ làm việc và điều kiện làm việc.
EEA đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh các nước trên thế giới với xu hướng phát thải hiện nay, có thể không thực hiện được mục tiêu cam kết trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu là duy trì nhiệt độ của Trái Đất tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.