Theo báo Anh The Sky News, ông Robert Morton - một quan chức nghiệp đoàn Unite của Anh - cảnh báo sẽ có thêm các cuộc biểu tình khác nếu như yêu cầu của gần 1.900 công nhân trong cảng không được đáp ứng.
“Tôi thừa nhận chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy nghiêm trọng. Đó là một trong những hậu quả không mong muốn khi việc này xảy ra. Chuyện này có thể chấm dứt khi bên tuyển dụng gặp chúng tôi để đàm phán. Thông điệp cuối cùng trước đó họ đưa ra là sẽ đồng ý gặp nhưng sẽ không nhượng bộ. Đó là một cách tiếp cận sai lầm”, ông Morton nói.
Nghiệp đoàn Anh đang yêu cầu một mức tăng lương từ 7 đến 12,3% trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, chạm mức kỷ lục 12,3%. Tại cảng biển và đường sắt Felixstowe, mức tăng lương đề xuất đối với người lao động thấp đáng kể so với tỷ lệ lạm phát.
Theo nghiệp đoàn Unite, cảng Felixstowe xử lý khoảng 48% lượng hàng container với 2.550 công nhân. Hoạt động biểu tình từ người lao động đã làm dấy lên nỗi lo về tác động tiềm tàng đối với các công ty vận tải biển.
"Về lâu dài, nếu tình hình không được giải quyết, nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cả cảng Felixstowe với tư cách là một khu vực hoạt động an toàn. Khách hàng sẽ phải tìm một bến đỗ mới", Mark Woodward - người đại diện cho công ty vận tải DFDS Seaways - trả lời tờ Sky News.
Theo nền tảng dữ liệu trực tuyến của Observatory of Economic Complexity (OEC), trong năm ngoái, cảng Felixstowe nhập khẩu hàng hóa trị giá 37,4 tỷ bảng Anh. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của nước này bao gồm đồ chơi, máy móc xử lý dữ liệu và đồ nội thất bằng gỗ và kim loại. Trong tháng 5 năm nay, các mặt hàng nhập khẩu chính là đồ nội thất, máy tính và phụ tùng ô tô.
Khoảng 70% các container cập cảng Felixstowe sẽ qua các tuyến đường bộ và đường sắt đến một khu vực ở trung tâm nước Anh được mệnh danh là "tam giác vàng" trong thương mại hậu cần.
Khu vực này là nơi tập trung các trung tâm phân phối quốc gia của nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ đường phố cao cấp của Anh bao gồm Tesco, Asda và Marks and Spencer.
Công ty quản lý rủi ro Russell Group cho biết cuộc đình công có thể làm gián đoạn hơn 800 triệu USD giao dịch thương mại liên quan đến hàng hóa quần áo và linh kiện điện tử, khiến hoạt động có thể chuyển hướng sang các cảng nhỏ hơn của Anh cũng như các cảng quốc tế bao gồm Wilhelmshaven ở Đức.
Chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát đã dẫn đến làn sóng đình công trên khắp Anh khi các gia đình phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trước đó, các nhân viên đường sắt đã tiến hành đình công trong hai ngày 18/8 và 20/8 vừa qua. Nhân viên ngành bưu chính cũng đang lên kế hoạch đình công 4 ngày vào cuối tháng này.
Lạm phát của Anh trong tháng 7/2022 đã lên đến 10,1%, mức kỷ lục mới trong 40 năm qua, do giá lương thực tăng. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo mức lạm phát tại nước này có thể đạt đỉnh trong năm nay, trên 13%, mức cao nhất kể từ năm 1980. BoE cũng dự báo kinh tế Anh sẽ chìm vào cuộc suy thoái kéo dài vào cuối năm nay và ngân hàng này đã công bố đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1995.