Năm 2003, Ngân hàng Trung ương Iraq đã mở tài khoản tại FED sau khi lực lượng Mỹ lật đổ cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Theo nghị quyết 1483 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tất cả các khoản thu từ việc bán dầu mỏ của Iraq sẽ được chuyển vào tài khoản này. Iraq là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và hơn 90% ngân sách, khoảng 112 tỷ USD trong năm 2019, là doanh thu từ dầu mỏ.
Một quan chức Iraq lưu ý rằng Iraq là một quốc gia sản xuất dầu mỏ và những tài khoản nói trên được tính bằng USD. Việc Mỹ chặn tiếp cận tài khoản đồng nghĩa với việc cắt đứt hoàn toàn thu nhập của Iraq, quốc gia vốn được coi là như là đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, một quan chức khác cảnh báo rằng động thái này cũng đồng nghĩa với sự "sụp đổ" kinh tế Iraq khi chính phủ nước này không thể thực hiện các chức năng hoạt động hàng ngày hay trả lương và đồng nội tệ Iraq có nguy cơ mất giá.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" đối với Baghdad trong bối cảnh Quốc hội Iraq ngày 5/1 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại nước này sau khi lực lượng Mỹ ngày 3/1 tiến hành không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad, làm Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani, và chỉ huy lực lượng dân quân Hashed al-Shaabi của Iraq al-Husssaini, thiệt mạng. Sau đó, Mỹ đã gửi tin nhắn thoại trực tiếp đến Phủ Thủ tướng Adel Abdel Mahdi, mà theo một quan chức Iraq cho biết, đó là lời đe dọa rằng nếu quân đội Mỹ bị trục xuất, Washington sẽ phong tỏa tài khoản của Iraq tại FED.
Một quan chức Iraq xác nhận Mỹ đang cân nhắc việc "hạn chế quyền tiếp cận khoảng 1/3 nguồn tiền mà họ vẫn gửi cho Iraq". Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận rằng việc cân nhắc hạn chế quyền tiếp cận của Iraq đối với tài khoản tại FED đã được nêu ra với Baghđa sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội nước này về yêu cầu rút quân đội Mỹ. Quan chức Mỹ cho rằng lý do của việc cân nhắc hạn chế Iraq tiếp cận tài khoản tại FED là vì một khi quân đội Mỹ phải rời khỏi nước này, các ngân hàng có thể lo ngại về việc gửi nhiều tiền mặt đến Baghdad.
Tuy nhiên, lời đe dọa trên bị đánh giá là rất bất thường vì FED vốn được xem là hoạt động độc lập với chính sách đối ngoại của quốc gia. Quan chức ngoại giao Mỹ nói trên thừa nhận tìm cách chính trị hóa việc chuyển đồng USD cho Iraq có thể khiến FED lo ngại vì sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín và sự nguyên trạng trong các giao dịch với khách hàng. Hiện tại, FED chưa có bình luận gì về lời đe dọa của Mỹ đối với Iraq.
Các nguồn thạo tin từ Mỹ và Iraq cho biết Washington cũng đang cân nhắc một lựa chọn trừng phạt khác, ít kích động hơn. Đó là từ chối gia hạn việc đình chỉ tạm thời mà Washington cấp cho Iraq năm 2018 để cho phép Baghdad nhập khí đốt từ Iran sử dụng cho hoạt động mạng lưới điện. Nếu Washington không gia hạn hoạt động đình chỉ này vào tháng 2 tới, Ngân hàng thương mại Iraq, đơn vị chịu trách nhiệm mua khí đốt của Iran, sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt kéo theo vì đã giao dịch với các thực thể của Iran trong danh sách cấm.
Hiện có khoảng 5.200 binh sĩ Mỹ đồn trú tại các căn cứ quân sự ở Iraq nhằm hỗ trợ các lực lượng địa phương ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Lực lượng này nằm trong liên quân do Mỹ đứng đầu, được phía Iraq đề nghị hỗ trợ trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến.