Ngày 22/5, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố các đơn kiến nghị từ Nga và Nhật Bản cho thấy chi phí mà Mỹ sẽ phải gánh chịu vì kế hoạch nâng thuế nhập khẩu nhôm thép. Những mức phí này được tính toán dựa trên các số liệu xuất khẩu của hai quốc gia trong năm 2017.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cụ thể, theo phân tích của Moskva, việc Mỹ đơn phương áp đặt các biện pháp tăng thuế sẽ khiến mức thuế hàng năm với những mặt hàng xuất khẩu từ Nga tăng thêm 5 triệu USD và trong khi Tokyo cũng ước tính khoản thuế đội lên do ảnh hưởng từ biện pháp của Mỹ sẽ là 440 triệu USD.
Qua đó, cả hai quốc gia này khẳng định có quyền áp đặt những chi phí tương đương với những mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ song không nêu chi tiết những mặt hàng sẽ bị nhắm tới. Hồi tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đệ đơn với nội dung tương tự lên WTO.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, EU cho biết phía Mỹ vẫn chưa thỏa mãn với những đề xuất của Brussels về việc mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nhập từ Mỹ tại "Lục địa Già", trong đó có các sản phẩm ôtô nhập khẩu.
Phát biểu với báo giới trước cuộc họp của của các Ngoại trưởng EU bàn về thương mại, Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom cho biết đã thảo luận với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sau khi EU công bố những đề xuất trên nhưng phía Mỹ có vẻ thấy như vậy là chưa đủ.
Ngoại trưởng Luxemburg Jean Asselborn cũng tỏ ra bi quan và cho rằng hai bên nhiều khả năng sẽ không thể đạt được đồng thuận trước tháng 1/2019, hạn chót mà Mỹ đề ra để trì hoãn áp đặt các biện pháp tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép với EU. Ông này cũng cho biết phía EU sẽ tiếp tục thảo luận xem có thể đưa thêm những đề xuất gì với Mỹ nhưng công việc này cũng khá khó khăn.
Những lĩnh vực mà các nước thành viên EU sẽ tập trung thảo luận gồm tạo điều kiện thuận lợi hơn để các nhà sản xuất Mỹ tiếp cận thị trường châu Âu và cũng như một số ngành vốn được các chính phủ coi trọng như năng lượng. Trong số các quốc gia châu Âu thì Đức ưu tiên tránh mâu thuẫn thương mại với Mỹ hơn cả vì đây là một quốc gia chú trọng xuất khẩu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng những đề xuất mà EU vừa công bố mới chỉ là bước đầu, và sẽ được triển khai rộng hơn, đồng thời lạc quan về khả năng hai bên đạt thỏa thuận cuối cùng.
Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng lần lượt 10% và 25% các mức thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu với lý do "lấy lại công bằng" cho các nhà sản xuất Mỹ trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm nhập ngoại có giá thành thấp hơn, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ chiến tranh thương mại.
Quyết định này đã dẫn tới việc EU đe dọa có động thái đáp trả tương tự nhằm vào một số sản phẩm xuất khẩu của Mỹ như bơ lạc và xe môtô Harley Davidson. Mỹ sau đó đã quyết định tạm hoãn áp dụng mức thuế mới với EU cho tới tháng 1/2019 để hai bên tiến hành đàm phán.
Cho tới nay, Mỹ đã đồng ý miễn áp đặt mức thuế mới với các mặt hàng nhôm thép nhập khẩu từ Australia, Brazil, Argentina và Hàn Quốc nhưng áp đặt hạn ngạch nhập khẩu cụ thể với từng trường hợp. Bà Malmstrom cho rằng EU sẽ khó mà chấp nhận kịch bản này.