Theo kênh CNN (Mỹ), những cuộc tranh giành quyền lực này gây rủi ro đảo ngược quá trình dân chủ hóa tại châu Phi và quay trở lại kỷ nguyên khi các cuộc đảo chính thường diễn ra.
Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2003 do nhà xuất bản Đại học Cambridge (Anh) đăng tải, vùng hạ Sahara châu Phi trong giai đoạn từ 1956-2001 trải qua tới 80 cuộc đảo chính thành công và 108 cuộc đảo chính bất thành. Số lượng đã giảm một nửa trong giai đoạn từ sau đó đến năm 2019 khi hầu hết các quốc gia châu Phi chuyển sang dân chủ. Vậy điều gì khiến tình trạng đảo chính lại trỗi dậy?
Thời gian thay đổi nhưng vấn đề vẫn cũ
Nhân vật dẫn đầu đảo chính thường đưa ra những lý do giống nhau khi tiến hành động thái này: tham nhũng, đói nghèo, quản lý yếu kém. Người đứng đầu cuộc đảo chính gần đây của Guinea, Đại tá Mamady Doumbouya cũng đi theo hình mẫu này khi lấy “đói nghèo và tham nhũng” là lý do để lật đổ Tổng thống 83 tuổi Alpha Conde.
Mặc dù đã cũ nhưng những lập luận này vẫn tác động đến nhiều người dân châu Phi ngày nay bởi lý do đơn giản đó là thực tế tại đất nước họ. Hơn nữa, tại nhiều quốc gia, mọi người cảm thấy những vấn đề này đang tồi tệ hơn.
Mạng lưới nghiên cứu Afrobarometer đã tiến hành khảo sát ở 19 quốc gia châu Phi và thu được kết quả cứ 10 người được hỏi thì có 6 người nói rằng tham nhũng đang gia tăng ở đất nước họ (con số này là 63% ở Guinea) trong khi 2/3 cho rằng chính phủ của họ chống tham nhũng không tốt. Thêm vào đó, 72% tin rằng người dân thường "có nguy cơ bị trả thù hoặc gặp hậu quả tiêu cực khác" nếu họ trình báo tham nhũng cho chính quyền.
Về tình trạng đói nghèo, tình thế thêm khó khăn bởi nền kinh tế nhiều nước châu Phi bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Theo thống kê vào tháng 4 vừa qua, có tới 1/3 người dân tại Nigeria đang thất nghiệp. Tình trạng tương tự xảy ra với Nam Phi. CNN ước tính số người nghèo tại vùng hạ Sahara châu Phi đã vượt qua mức 500 triệu, tương đương một nửa dân số.
Châu Phi hiện là lục địa trẻ nhất thế giới với độ tuổi trung bình là 20 và dân số ngày càng tăng trưởng. Điều này góp phần gia tăng cuộc cạnh tranh vốn đã khốc liệt vì nguồn tài nguyên.
Những điều này tạo "điều kiện màu mỡ" cho các cuộc đảo chính. Giới trẻ châu Phi vốn ngày càng tuyệt vọng, mất kiên nhẫn với các nhà lãnh đạo tham nhũng của họ nay lại chào đón những kẻ đảo chính hứa hẹn thay đổi căn bản.
Nhưng ông Joseph Sany tại Trung tâm châu Phi thuộc Viện hòa bình Mỹ cho rằng điều này sẽ không tồn tại lâu. Ông Sany nhận định: “Phản ứng ban đầu bạn nhìn thấy trên đường phố là niềm vui nhưng rồi mọi người sẽ sớm yêu cầu hành động… Tôi không dám chắc rằng phía đảo chính có thể đáp ứng được kỳ vọng”.
Thay đổi tình hình
Điều rõ ràng là những cuộc đảo chính này đe dọa nghiêm trọng đến thành tích dân chủ mà các nước châu Phi đã đạt được trong những thập niên gần đây. Một điều lo ngại khác là nhiều người dân châu Phi ngày càng không còn tin rằng các cuộc bầu cử có thể đưa ra những nhà lãnh đạo mà họ muốn.
Các cuộc khảo sát được thực hiện trên 19 quốc gia châu Phi vào năm 2019 và 2020 cho thấy chỉ 4/10 người được hỏi tin rằng các cuộc bầu cử đảm bảo những người chiến thắng "theo đúng quan điểm của cử tri" và "cho phép cử tri loại bỏ các nhà lãnh đạo không hành động".
Nói cách khác, chưa đầy 50% tin rằng các cuộc bầu cử đáng tin cậy, trong khi đây lại là điều then chốt trong vận hành của nền dân chủ.
Theo CNN, có nguy cơ xảy ra nhiều cuộc đảo chính hơn ở châu Phi trong những năm tới. Điều này khó xảy ra ở những nước giàu với thể chế mạnh như Nam Phi, Ghana hay Botswana mà ở các quốc gia nghèo hơn cũng như những nước từng xảy ra đảo chính trong thời gian gần đây như Mali, Niger, Chad và Guinea.
Tình trạng đảo chính gia tăng sẽ khiến châu Phi rơi vào cảnh mất ổn định, khó dự đoán và khiến nhiều nhà đầu tư rời đi, gây khó khăn cho tình hình kinh tế. Nguy cơ này vẫn có thể đảo ngược và nhân vật có quyền năng nhất để giảm xu hướng này chính là các lãnh đạo tại châu Phi. Điều họ cần làm là củng cố lại niềm tin về dân chủ cho người dân châu Phi.