Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, định nghĩa của Trung Quốc về ca nhiễm không triệu chứng cũng giống như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia khác. Theo đó, mắc COVID-19 không triệu chứng là người có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị.
COVID-19 thường gây ra các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, đau họng, ngạt mũi và mệt mỏi. Ngoài ra còn có những triệu chứng ít gặp hơn, như tiêu chảy, phát ban hoặc kích ứng mắt. Theo WHO, người mắc COVID-19 thường phát triển các triệu chứng trong khoảng 5-6 ngày sau khi nhiễm virus, nhưng có thể mất đến 14 ngày mới xuất hiện các triệu chứng.
Một số người không có triệu chứng nào khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng sau đó lại biểu hiện triệu chứng. Những trường hợp như vậy vẫn được coi là ca dương tính ở Trung Quốc.
Tỷ lệ ca nhiễm không triệu chứng ở Trung Quốc
Dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết trong tổng số 103.965 ca COVID-19 trong cộng đồng vào tháng 3, chỉ có 3.046 trường hợp có triệu chứng. Đáng chú ý, phần lớn các ca nhiễm không triệu chứng đều được ghi nhận tại Thượng Hải.
Không giống các quốc gia khác, Trung Quốc không liệt kê các trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng vào số liệu thống kê chính thức. Tuy nhiên, số ca nhiễm không triệu chứng vẫn được báo cáo và những người có kết quả xét nghiệm dương tính không triệu chứng vẫn bị đưa vào diện cách ly.
Trong đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán vào năm 2020, các nhà khoa học đã tiến hành phỏng vấn, khảo sát và xét nghiệm 9.542 người. Họ phát hiện ra rằng 82,1% những người có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể SARS-CoV-2 không có triệu chứng. Kháng thể SARS-CoV-2 có ở những người từng mắc COVID-19, hoặc từng tiêm vaccine ngừa bệnh này.
Nhưng sau khi qua đỉnh dịch và lệnh phong tỏa toàn thành phố được dỡ bỏ, chiến dịch xét nghiệm hàng loạt trên 889.000 người chỉ phát hiện 457 người không có triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh đã phân tích 95 nghiên cứu liên quan đến hơn 29,7 triệu người được xét nghiệm trên khắp thế giới từ tháng 1/2020-2/2021. Kết quả được công bố trên tập san khoa học JAMA Network Open vào tháng 12/2021. Họ phát hiện đối với nhân viên và người sống trong viện dưỡng lão, trường hợp không triệu chứng chiếm 4,52% tổng số ca nhiễm. Trong số những du khách có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi đi máy bay hoặc tàu biển, 2,02% không có triệu chứng. Tỷ lệ này đối với các bệnh nhân và nhân viên y tế trong bệnh viện là 0,75%.
Xu hướng này đã đảo ngược trong thời kỳ Omicron, khi tỷ lệ người có kết quả xét nghiệm dương tính không triệu chứng cao hơn nhiều. Một nghiên cứu ở Nam Phi vào tháng 1 cho thấy tỷ lệ người mang mầm bệnh không có triệu chứng tăng lên 16% khi Omicron lưu hành, so với 2,6% trong đợt bùng phát biến thể Beta và Delta.
Trong làn sóng Omicron hiện nay ở Trung Quốc, khoảng 70% ca nhiễm được báo cáo vào tháng 3 không có triệu chứng. Bên cạnh đó, giới chức y tế nói rằng 95% trường hợp hoặc không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ.
Vì sao Thượng Hải ghi nhận nhiều ca không triệu chứng?
Thượng Hải không phải là nơi duy nhất ở Trung Quốc đang phải đối phó với biến thể Omicron, nhưng thành phố này lại là nơi ghi nhận trên 90% ca nhiễm không triệu chứng. Đợt bùng phát ở Thượng Hải do biến thể tàng hình của Omicron lây lan nhanh chóng gây ra, trong đó có 84,5% trường hợp mắc bệnh là người từ 60 tuổi trở xuống có sức khoẻ tốt.
Lý giải điều này, ông Fu Chen, Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Thượng Hải, cho biết có một số yếu tố tác động. Trong đó bao gồm đặc điểm của virus, khả năng miễn dịch của con người, tỷ lệ tiêm chủng và thực tế là các ca nhiễm đang được phát hiện sớm nhờ xét nghiệm hàng loạt.
Theo quan chức này, trên 22 triệu trong số 25 triệu cư dân của thành phố được tiêm chủng đầy đủ và một nửa dân số đã được tiêm mũi tăng cường. Hầu hết những người có kết quả xét nghiệm dương tính đều đã được tiêm phòng đầy đủ. Ông Fu cho biết Thượng Hải đã tiến hành xét nghiệm toàn dân trên diện rộng và phát hiện sớm các nhiễm trong thời gian ủ bệnh, trước khi khởi phát triệu chứng.
Đây được cho là lý do khiến số ca COVID-19 tại Thượng Hải tuy tăng cao, nhưng phần lớn đều là ca không triệu chứng. Thông qua xét nghiệm hàng loạt, Thượng Hải đã ghi nhận thêm 19.982 trường hợp mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong số đó, chỉ có 322 ca mắc có triệu chứng bệnh.
Trung Quốc đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng thế nào?
Ông Lu Hongzhou, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 3 Thâm Quyến, nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19, cho biết những người mang mầm bệnh không triệu chứng vẫn có thể phát tán virus và có khả năng lây nhiễm sang người khác. Ông cho biết chúng có thể lây nhiễm khoảng 1,5 ngày sau khi tiếp xúc với virus.
Khi biến thể Omicron phần lớn gây bệnh nhẹ hơn, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành mở cửa trở lại và hướng tới sống chung với virus. Song Trung Quốc dường như không từ bỏ "không VOVID" mà còn nỡ lực hơn với chiến lược này. Nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng, họ vẫn cách ly để theo dõi. Thậm chí, những người tiếp xúc với những người này cũng phải cách ly.
Ông Wu Zunyou, Trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết sự lây lan nhanh chóng của Omicron vẫn có thể dẫn đến một số lượng lớn các trường hợp mắc và tử vong. Ông dẫn dữ liệu từ các quốc gia khác chỉ ra rằng số người tử vong vì Omicron thậm chí còn cao hơn Delta.
“Điều này cho thấy rằngchủng Omicron vẫn là một mối đe doạ rất nghiêm trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta cần nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong một thời gian ngắn”, ông Wu nói và cho biết thêm rằng chiến lược không khoan nhượng với COVID-19 Trung Quốc vẫn là cách phòng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất.