Tăng gấp đôi nỗ lực “không COVID”
Theo hãng tin CNA, trong làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc, trung tâm tài chính Thượng Hải đã phong tỏa lần lượt thành hai nửa để triển khai chiến dịch xét nghiệm toàn dân. Theo đó, thành phố này đã phong toả các khu vực ở phía đông sông Hoàng Phố, gồm quận trung tâm hành chính và các khu công nghiệp lớn trong 4 ngày kể từ ngày 28/3. Sau đó, nửa tây Thượng Hải bắt đầu phong toả trong 4 ngày tiếp theo.
Thông báo của chính quyền địa phương ngày 27/3 yêu cầu người dân không ra khỏi nhà. Phương tiện giao thông công cộng và các ứng dụng gọi xe sẽ bị tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, phương tiện cá nhân không được phép chạy trên đường phố trừ khi thực sự cần thiết. Thông báo cũng lưu ý cần phải được đảm bảo nhu cầu y tế khẩn cấp của người dân.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang tăng gấp đôi nỗ lực thực hiện chiến lược “không COVID”, với tần suất xét nghiệm, quy trình cách ly và các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Bắc Kinh đã bắt đầu áp dụng chiến lược “không COVID năng động” thay thế cách tiếp cận “không khoan nhượng với COVID” từ năm ngoái. Chiến lược này trái ngược hoàn toàn với các quốc gia đang nới lỏng hạn chế để sống chung với COVID-19 như bệnh đặc hữu.
Song trái ngược với việc phong tỏa toàn thành phố, Trung Quốc đang triển khai các biện pháp phòng dịch linh hoạt hơn nhằm đạt được sự cân bằng giữa việc kiểm soát dịch bệnh và tạo điều kiện bình thường hóa cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều tỉnh thành vẫn không thể giữ được thành quả số ca mắc bằng 0 như trong năm 2020 - 2021. Hơn nữa, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến Chính phủ Trung Quốc phải ưu tiên ổn định tăng trưởng kinh tế.
Thượng Hải không còn là thành phố chống dịch kiểu mẫu
Từng được cộng đồng y tế công cộng Trung Quốc ca ngợi là khu vực kiểm soát đại dịch “khoa học” và hiệu quả, mô hình chống dịch ở Thượng Hải cho phép thành phố này vừa kiểm soát COVID-19 vừa tiếp tục hoạt động kinh tế thông qua phát hiện sớm, truy vết tiếp xúc thường xuyên và phong tỏa có mục tiêu.
Hồi tháng 9/2021, Ủy ban Y tế Quốc gia thậm chí còn tổ chức một hội nghị đặc biệt ở Thượng Hải để kêu gọi các tỉnh thành khác học theo kinh nghiệm chống dịch hiệu quả, ít tốn kém của thành phố này.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Thượng Hải đã đánh mất vị thế là hình mẫu kiểm soát COVID-19. Với “không COVID năng động”, giới chức đã tuyên bố rằng họ sẽ không ngần ngại phong tỏa toàn bộ thành phố khi ca nhiễm ở địa phương gia tăng nhanh chóng. Cuối cùng, giới Thượng Hải đã quyết định phong tỏa nửa phía tây của thành phố sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch vào ngày 30/3. Đồng thời, giới chức cũng mở rộng phong tỏa ở một số quận phía đông vào ngày 1/4.
Việc phong tỏa kéo dài sẽ khiến chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, làm gia tăng áp lực lạm phát và suy yếu nhu cầu tiêu dùng nội địa. Theo các chuyên gia phân tích của Tập đoàn Everbright Securities, tăng trưởng kinh tế hàng quý của Trung Quốc có thể suy giảm 10 điểm phần trăm nếu nước này kiên quyết duy trì “không COVID”.
Tập đoàn Eurasia nhận định việc duy trì chính sách “không COVID” của Trung Quốc là rủi ro kinh tế toàn cầu hàng đầu vào năm 2022. Tập đoàn này cho biết: “Các hạn chế về vận chuyển, tình trạng thiếu nhân viên, nguyên liệu thô và thiết bị, hàng hóa - tất cả đều nghiêm trọng hơn do chiến lược chống dịch của Trung Quốc”.
Ngoài ra, nếu việc phong tỏa kéo dài, cuộc sống và sinh kế của người dân sẽ gặp nhiều bất tiện và khó khăn nghiêm trọng. Do đó, quan điểm của Trung Quốc là kiểm soát đại dịch càng nhanh càng tốt, bất kể chi phí ngắn hạn có thể tốn kém đến mức nào.
“Không COVID” có hiệu quả với đợt bùng dịch ở Thượng Hải?
Chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19 bằng cách phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm nhiều lần, có thể sẽ gặp phải thách thức lớn trước biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn với nhiều ca nhiễm không triệu chứng.
Có thể nhìn vào Hong Kong, khu vực đang theo đuổi chính sách không COVID năng động giống như Trung Quốc đại lục. Kể từ đầu năm 2022, sự bùng phát của Omicron đã khiến việc áp dụng chính sách phòng dịch của thành phố gặp trở ngại lớn. Trung tâm tài chính châu Á vẫn ghi nhận hàng chục nghìn trường hợp mới hàng ngày vào thời điểm cao điểm của đợt dịch mới, mặc dù hiện số ca mắc hàng ngày đã giảm xuống còn vài nghìn trường hợp. Ở những nơi khác của Trung Quốc, tỉnh Cát Lâm đã bị phong tỏa từ ngày 14/3, nhưng tỉnh phía đông bắc này vẫn ghi nận 1.150 trường hợp mới và 1.032 ca nhiễm không triệu chứng vào ngày 29/3.
Còn quá sớm để khẳng định liệu Trung Quốc có thể kiểm soát hiệu quả làn sóng lây nhiễm ở Thượng Hải như ở Vũ Hán vào năm 2020 hay không. Tuy nhiên, do Cát Lâm, Thượng Hải và những nơi khác đã phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm mới nhất trong suốt một tháng, nên sự mệt mỏi đang gia tăng.
Song nhà phân tích Chen Gang của Viện Đông Á thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore cho rằng việc Trung Quốc chuyển sang “sống chung với virus” là điều phi thực tế, trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang hoành hành và Bắc Kinh sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20.
Nhìn ra khắp thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia từ bỏ chính sách không COVID khi đối mặt với biến thể Omicron và biến thể tàng hình của nó. Mặc dù “sống chung với COVID-19” vẫn là điều xa vời Trung Quốc, song có thể thấy nhà chức trách đang nỗ lực thích ứng với điều bình thường mới này bằng các biện pháp linh hoạt, nhân văn hơn vì lợi ích sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân.