Theo hãng tin RIA Novosti, không những không từ bỏ khí đốt của Nga, quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) này còn bắt đầu mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Moskva vào năm ngoái.
“Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ tín hiệu nào cho thấy các các công ty địa phương sẽ chấm dứt các thỏa thuận này trước ngày dự kiến. Ngược lại vào năm 2022, ngoài khí đốt được cung cấp qua đường ống theo các hợp đồng hiện có, Athens còn nhập khẩu thêm LNG của Nga”, ông Maslov nói thêm.
Dẫn dữ liệu từ cơ quan thống kê Nga, Đại sứ Maslov nhấn mạnh khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ chiếm ưu thế trong các lĩnh vực nhập khẩu của Hy Lạp từ Nga vào năm 2022.
“Về mặt công khai, giới lãnh đạo Hy Lạp ủng hộ từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga. Tuy nhiên, thật khó để nói khi nào Hy Lạp sẽ có cơ hội thực hiện điều đó”, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Ông Maslov cũng chỉ ra các hợp đồng nhập khẩu khí đốt lớn giữa hai nước, như hợp đồng dài hạn hợp lệ giữa Gazprom Export (chi nhánh của Tập đoàn Gazprom Nga) với 3 nhà khai thác dầu mỏ của Hy Lạp. Ông nhấn mạnh các bên đều tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ.
Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, cho rằng Athens có thể cung cấp khí đốt cho Ukraine thay vì Nga, nhà ngoại giao này nói: “Hy Lạp còn chưa thể sản xuất khí đốt tự nhiên cho chính mình và việc phát triển các mỏ ở địa phương còn trong giai đoạn trứng nước”.
Theo ông Maslov, tuyên bố của Thủ tướng Mitsotakis có thể đề cập đến ý tưởng biến Hy Lạp thành trung tâm năng lượng. Từ đó, khí đốt của nước này sẽ được trung chuyển đến các nước Balkan và Đông Âu, bao gồm cả Ukraine.
Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, quan hệ Hy Lạp - Nga đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Moskva luôn đề cập đến các cuộc thăm dò cho thấy đại đa số người Hy Lạp (63%) phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine vì điều đó đặt Athens “vào tình thế nguy hiểm”.
Hy Lạp là một trong những nước đầu tiên gửi vũ khí đến Ukraine vào ngày 27/2/2022, vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng. Nước này đã gửi 40 tấn thiết bị qua Ba Lan trên 2 máy bay C-130. Sau đó, Hy Lạp cũng gửi nhiều lô vũ khí và thiết bị quân sự mới cho Ukraine.
Tuy nhiên, Hy Lạp nói nước này sẽ không cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
“Chúng tôi đã hỗ trợ quân sự đáng kể cho Ukraine, chẳng hạn như xe bộ binh bọc thép, nhưng chúng tôi sẽ không cung cấp xe tăng Leopard 2 vì lý do đơn giản là chúng thực sự cần thiết cho chiến lược phòng thủ. Chúng tôi muốn hỗ trợ Ukraine, nhưng không phải đánh đổi khả năng phòng thủ”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói hôm 1/2.