Nhà Trắng cân nhắc đề xuất mới phá vỡ bế tắc đàm phán hạt nhân với Iran

Trong một vài tháng qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải chịu sức ép từ cả hai đảng trong Thượng viện Mỹ liên quan đến phương hướng giải quyết căng thẳng với Iran.

Chú thích ảnh
Bên trong nhà máy điện hạt nhân Bushehr, nằm cách thủ đô Tehran của Iran 1200km về phía nam. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài Sputnik, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nhà Trắng được cho là đang cân nhắc tới khả năng đưa ra một đề xuất ngoại giao mới để khởi động các cuộc đàm phán đang trì trệ giữa hai quốc gia.

Tiết lộ với tờ Politico, hai cá nhân biết rõ vấn đề cho hay đề xuất mới sẽ yêu cầu Iran ngừng một số hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế. Các chi tiết của đề xuất được cho là vẫn đang trong quá trình hoàn thiện song vẫn phải chịu sức ép về mặt thời gian do Iran sắp tổ chức bầu cử tổng thống.

Một trong hai cá nhân cho rằng đề xuất mới là nỗ lực mà phía Washington tìm cách mở đầu cuộc đối thoại với Tehran. Cả hai quốc gia đều rơi vào trạng thái mâu thuẫn trong nhiều thập kỷ và căng thẳng thậm chí còn đạt đến đỉnh điểm dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Thỏa thuận giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sắp hết hạn vào tháng 6 cũng là động lực để thiết lập các cuộc đàm phán mới. Trước đó, thỏa thuận này cho phép cơ quan giám sát của Liên hợp quốc tiếp tục thanh tra các cơ sở hạt nhân và có quyền tiếp cận các cơ sở của Iran.

Trước câu hỏi của Politico về thông tin Washington sẽ đưa ra một đề xuất mới, ông Shahrokh Nazemi - người phụ trách báo chí của phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc – cho rằng Mỹ chỉ cần tuân thủ việc thực hiện thỏa thuận năm 2015.

Về phần mình, đội ngũ của Tổng thống Biden cũng không cung cấp chi tiết các cuộc đàm phán ngoại giao đang diễn ra.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên gọi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện ký kết vào năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1, theo đó tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và phát động một chiến dịch "gây sức ép tối đa" lên quốc gia Trung Đông này. Đáp lại, Tehran đã thực hiện một số hoạt động không tuân thủ quá trình phi hạt nhân hóa và cho rằng Mỹ đã vi phạm thỏa thuận trước.

Khi còn vận động tranh cử, Tổng thống Biden tuyên bố ông muốn đảo ngược chính sách đối với Iran của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức đến nay, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa có động thái gì đáng kể như những gì cam kết. Ông chỉ thông báo sẽ cập nhật các điều khoản trong thỏa thuận 2015. Gần đây nhất, Nhà Trắng tuyên bố các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ trừ khi Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận ban đầu. 

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Tehran, ngày 27/3. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tổng thống Biden đang đối mặt với căng thẳng cạnh tranh trong bối cảnh Iran tiếp tục tăng cường các hoạt độn hạt nhân, bao gồm ký kết một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân tại quốc gia Trung Đông.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Nhà máy điện hạt nhân của Iran có nguy cơ đóng cửa do các biện pháp trừng phạt
Nhà máy điện hạt nhân của Iran có nguy cơ đóng cửa do các biện pháp trừng phạt

Ngày 29/3, Iran cho biết nhà máy điện hạt nhân duy nhất của nước này có thể phải dừng vận hành trong năm nay do áp lực của các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN