Theo CNN, cuộc bạo loạn nhằm vào trái tim của nền dân chủ Mỹ hôm 6/1 (theo giờ địa phương) giống như màn biểu dương lực lượng gớm guốc của các phong trào quá khích và những kẻ ủng hộ họ. Bốn người đã bỏ mạng, trong đó có một phụ nữ bị Cảnh sát Điện Capitol bắn chết.
Một trong những nhân vật dễ nhận thấy nhất trong các đoạn video và ảnh ghi lại cảnh hỗn loạn ở Đồi Capitol là một người đàn ông độ tuổi 30, khuôn mặt được sơn vẽ, đội mũ lông với hai chiếc sừng đen.
Tên này là Jake Angeli, được những người ủng hộ gọi là QAnon Shaman, nhanh chóng trở thành một biểu tượng cho cảnh tượng kỳ quái và đáng sợ qua những bức ảnh chụp hắn ta đi lang thang trong các sảnh của Điện Capitol, một tay cầm lá cờ Mỹ gắn trên đầu ngọn giáo và tay kia cầm chiếc sừng, thậm chí còn cởi trần đứng trên bục Thượng viện.
Phóng viên CNN không thể liên lạc được với Angeli, sống ở bang Arizona, nhưng em họ của hắn là Adam Angeli thì xác nhận rằng người đàn ông đội mũ sừng là họ hàng của mình. Adam cho biết anh ta nghĩ anh họ mình là “một người yêu nước, một kiểu người rất Mỹ”.
Trang Facebook của Jake Angeli chứa đầy những bài đăng gợi lên các thuyết âm mưu của QAnon, nhóm người tin vào một giả thuyết lố bịch rằng có một nhóm ấu dâm tôn thờ quỷ Satan đã xâm nhập vào các cơ quan cao nhất của chính phủ Mỹ và đang bị Tổng thống Trump phản đối.
Một số bài đăng Facebook của Angeli mang tính bạo lực, chẳng hạn như tuyên bố “chúng ta sẽ không có hy vọng thực sự nào sống sót trước những kẻ thù được sắp xếp chống lại ta cho đến khi chúng ta treo cổ những kẻ phản bội đang rình rập”.
Một bức ảnh trên trang Facebook của Angeli cho thấy hắn đội mũ lông gắn sừng, chĩa một khẩu súng trường về phía máy ảnh. Những tháng gần đây, Angeli là gương mặt xuất hiện thường xuyên trong các đoàn biểu tình ủng hộ ông Trump ở Arizona, trong đó có những cuộc mít tinh bên ngoài trung tâm kiểm phiếu Hạt Maricopa.
Trong số những kẻ bạo loạn tràn ngập Điện Capitol còn có Nick Ochs, người sáng lập của Proud Boys Hawaii, một chi hội của nhóm cực hữu Proud Boys. Ochs đăng dòng tweet “Xin chào từ thủ đô”, kèm tấm ảnh sefie đang hút thuốc bên trong Nhà Quốc hội.
“Chúng tôi không cần đột nhập, tôi chỉ đi vào và quay phim”, Ochs nói với CNN. “Có hàng nghìn người trong đó, họ không kiểm soát được tình hình. Tôi không bị chặn lại hay tra hỏi”.
Năm ngoái, Ochs đã thực hiện một chiến dịch bất thành cho cơ quan lập pháp tiểu bang, qua đó được sự chú ý của Roger Stone, một người thân tín của Tổng thống Trump. Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Ochs cho biết anh ta đang tác nghiệp như một nhà báo chuyên nghiệp khi vào Điện Capitol và không vào bất kỳ văn phòng quốc hội nào.
Một nhà hoạt động cực hữu khác có mặt tại Điện Capitol hôm 6/1 là Tim Gionet, người đã phát trực tiếp video bên trong tòa nhà trong hơn 25 phút.
Theo bà Hannah Gais, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Luật đói nghèo miền Nam, Gionet, vốn là một ca sĩ cực đoan nổi tiếng, đã tham gia cuộc biểu tình “Đoàn kết cánh hữu” ở Charlottesville, Virginia năm 2017. Gionet đã bị ngừng hoặc cấm tham gia các nền tảng trực tuyến khác nhau, và phóng viên không tiếp cận được để yêu cầu bình luận
Ngoài ra, một trong những bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất từ đám hỗn loạn cho thấy Richard “Bigo” Barnett, thủ lĩnh nhóm ủng hộ quyền sử dụng súng ở Gravette, bang Arkansas, đang ngả ngốn trong văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, gác chân lên bàn làm việc.
Barnett, 60 tuổi, sau đó chìa cho các phóng viên xem một phong bì mà ông ta lấy từ bàn làm việc của bà Pelosi. “Tôi không lấy cắp”, ông ta nói về chiếc phong bì đề tên gửi một thành viên khác của Quốc hội.
Các video trên Facebook được đăng bởi Barnett hôm 6/1 cho thấy ông ta đang đi bộ gần Điện Capitol. Một bức ảnh được đăng vào sáng hôm đó, chụp cảnh Barnett mang theo cờ Mỹ, với dòng chú thích “Đã đến lúc”. Trước đó ông này đề nghị mọi người cầu nguyện “khi chúng tôi làm hết sức để bảo vệ những người yêu nước của chúng ta ở DC”.