Nhân tố khiến Nga khó tham gia chống IS tại Syria

Mỹ và Nga đều coi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là kẻ thù chung. Tuy nhiên, hai nước này không thể vượt qua sự nghị kỵ lẫn nhau vốn rất sâu sắc để đi tới nhất trí về cách thức cùng nhau đối phó với mối đe dọa này, do đó khả năng Moskva đóng vai trò nào đó trong chiến dịch quốc tế chống IS mà Mỹ đứng đầu là điều khó có thể xảy ra.

Máy bay Hornet F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN 77) tham gia chiến dịch không kích các cơ sở của IS ở Iraq ngày 26/9. Ảnh: AFP-TTXVN


Các quan chức Mỹ cho biết những mâu thuẫn giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh là rất lớn. Moskva nghi ngờ động cơ ngầm của Washington là lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh của Nga. Washington từ chối xem xét việc hợp tác chừng nào Moskva còn khăng khăng rằng các cuộc không kích của Mỹ cần có sự chấp thuận của Syria và Liên hợp quốc (LHQ). Những nỗ lực ngoại giao, từ các cuộc hội đàm cấp cao tại LHQ tới những tiếp xúc không chính thức tại Moskva, đều không thể giải quyết được những nghi kỵ này.

Một quan chức cấp cao yêu cầu giấu tên của chính quyền Mỹ nói với hãng tin Reuters: “Trở ngại chính khiến Nga không tham gia (chiến dịch chống IS tại Syria) là Moskva có quan điểm rằng ‘điều này chỉ có thể được thực hiện nếu chính quyền Syria cho phép hoặc được LHQ thông qua’".

"Tuy nhiên, Mỹ lại không chấp nhận quan điểm đó. Nga cho rằng bằng cách nào đó họ sẽ khiến Mỹ thay đổi chính sách, song thực tế điều đó sẽ không xảy ra”, quan chức trên nói. Mặc dù Nga không thương tiếc gì những tay súng của IS, song quan hệ giữa Moskva với Damascus tạo ra một bối cảnh khiến Nga khó có thể đóng một vai trò nào đó trong các cuộc tấn công IS trên lãnh thổ Syria.

Việc Nga vắng mặt trong liên minh quốc tế chống IS làm phức tạp thêm những tính toán của Washington, giảm khả năng Mỹ có thể tác động tới dòng vũ khí của Nga đang được tuồn vào Damascus, trong bối cảnh chiến dịch do Mỹ lãnh đạo tiến tới thực hiện các cuộc không kích tại Syria và vũ trang cho lực lượng nổi dậy chống ông Assad.

Moskva, vốn đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế tại Trung Đông, trở thành nhà cung cấp những vũ khí thông thường cho Syria, giúp ông Assad có được sự ủng hộ quan trọng trong suốt cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm qua và ngăn chặn những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của phương Tây nhằm trừng phạt ông.

Trong khi đó, Washington ủng hộ lực lượng nổi dậy ôn hòa tại Syria - những người đang tìm cách lật đổ ông Assad và chắc chắn sẽ đóng vai trò trung tâm trong bất kể chiến dịch tấn công trên bộ nào trong tương lai trên lãnh thổ Syria. Chính phủ Mỹ cáo buộc ông Assad vi phạm nhân quyền trên diện rộng và nói rằng Mỹ sẽ không bao giờ cần sự cho phép của ông Assad để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu của IS ở Syria.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: AFP-TTXVN


Các quan chức Mỹ cho biết, việc Nga nhạy cảm với số phận của ông Assad đã được thể hiện rõ trong các cuộc thảo luận riêng giữa Moskva và Washington trong những tuần gần đây. Sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Iraq hồi tháng 8, các thành viên của chính quyền Mỹ cũng bắt đầu phát tín hiệu tới Moskva rằng tiếp theo sẽ là Syria.

Các quan chức này nói rằng Ngoại trưởng John Kerry đã truyền tải thông điệp này tới Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Paris ngày 15/9, bên lề một hội nghị về Iraq. Tại hội nghị này, ông Kerry đã đảm bảo rằng Mỹ sẽ không trực tiếp nhằm vào ông Assad hay các lực lượng của ông ta.

Hai bên cũng thảo luận về vấn đề này một lần nữa khi cùng có mặt tại LHQ ngày 24/9 vừa qua, chỉ vài ngày sau khi các cuộc không kích tại Syria do Mỹ đi đầu được thực hiện. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng: “Nó chẳng thay đổi được điều gì”.

Trong một cuộc họp báo tại LHQ ngày 26/9, ông Lavrov đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của chiến dịch không kích tại Syria, đồng thời gửi tới Mỹ một thông điệp “mà Nga từng nói với Mỹ” về hậu quả của chính sách Mỹ tại khu vực.

Mặc dù vậy, Nga có thể sẽ được hưởng lợi nếu Mỹ thành công trong việc chống lại IS - tổ chức có nhiều tay súng đến từ vùng Bắc Kavkaz gồm chủ yếu là người Hồi giáo của Nga, khu vực nơi các phiến quân gây chiến hàng ngày nhằm thành lập một nhà nước Hồi giáo.

Những tay súng này có thể gây nguy hiểm cho an ninh của Nga nếu chúng trở lại Bắc Kavkaz. Jaish al-Muhajireen wal-Ansar, một nhóm phiến quân người Chechnya, nằm trong số hơn 20 cá nhân và tổ chức bị Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/9 xác nhận là những kẻ khủng bố hay các tổ chức ủng hộ khủng bố, và sẽ bị Washington đóng băng tài sản và ngăn chặn các hoạt động chuyển tiền. Đây là điều có lợi cho Moskva.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết Washington không đưa ra yêu cầu cụ thể đối với Moskva về việc cùng tham gia liên minh hay hợp tác trong cuộc chiến chống IS. Phía Nga cũng không đề nghị sẽ làm như vậy. Tuy nhiên, các quan chức này thừa nhận Moskva đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ chiến dịch nào tại Trung Đông.

Quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Obama nói trên cho biết: “Rõ ràng, Nga là một chủ thể quan trọng tại Syria, Iraq, và chắc chắn sẽ có liên quan tới bất kể vấn đề gì mà chúng ta phải giải quyết” tại khu vực.

Tại Moskva, Fyodor Lukyanov - Tổng biên tập tạp chí “Nga trong các vấn đề quốc tế”, hiện là người đứng đầu nhóm cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin - nói rằng vai trò của Nga trong cuộc chiến chống IS chắc chắn sẽ hạn chế ở mức hỗ trợ các chính phủ Iraq và Syria. Moskva đã cung cấp vũ khí cho các lực lượng an ninh của cả hai quốc gia này.

Ông nói: “Nga không có mong muốn, kế hoạch hay hứng thú với việc tham gia vào bất kể chiến dịch nào do Mỹ đi đầu. Quan điểm của Nga là tất cả 'mớ lộn xộn' này là do chính sách điên rồ và liều lĩnh của Mỹ trong cuộc xâm lược Iraq gây ra”, ý ám chỉ cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, vốn bị Tổng thống Vladimir Putin chỉ trích nặng nề.

James Goldgeier, một nhà nghiên cứu chính sách của Liên bang Xô-viết cũ tại Đại học Mỹ ở Washington, cho rằng rất khó có thể sớm vượt qua những trở ngại đối với hợp tác Nga-Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, chính sách của Nga có thể thay đổi nếu Moskva cảm thấy mối đe dọa đối với an ninh Nga ngày càng lớn.

Ông nói: “Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của Nga là bảo vệ tầm ảnh hưởng ít ỏi còn lại của nước này ở Trung Đông. Và điều đó có nghĩa là bảo vệ Syria”.


Thanh Tú
(Theo Reuters)
Hé lộ về cuộc sống tại thủ phủ IS ở Syria
Hé lộ về cuộc sống tại thủ phủ IS ở Syria

Raqqa nằm ở phía Bắc Syria hiện nay đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới và đã trở thành mục tiêu không kích của Mỹ bởi thành phố này là thành trì nơi tập trung quyền lực của IS. Dưới đây là nhữnh hình ảnh hé lộ về cuộc sống của những người dân tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN