Nhật Bản và Ấn Độ đã tăng cường hợp tác hải quân thông qua một cuộc diễn tập chung lần đầu tiên giữa 2 nước trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng.Cuộc diễn tập diễn ra trong 4 ngày, kể từ ngày 19/12 tại Vịnh Bengal. Cuộc thực binh này chủ yếu tập trung vào việc hợp tác trong lĩnh vực ninh hàng hải. Phía Ấn Độ đã điều tàu khu trục tàng hình INS Satpura, tàu khu trục tên lửa dẫn đường INS Ranvijay và tàu hộ tống tên lửa INS Kuthar. Hải quân Nhật Bản (JMSDF) cũng cử 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường JS Ariake và JS Setogiri tham gia.
Cuộc tập trận hải quân diễn ra vào thời điểm khi cả Tokyo và New Delhi đều cảm thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh. Chính phủ Nhật mới đây cũng đã công bố chiến lược an ninh mới, chủ yếu nhằm tăng cường năng lực bảo vệ các đảo đang tranh chấp với Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang quan ngại về thái độ ngày càng quả quyết liên quan đến vấn đề biên giới cùng với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - khu vực chiến lược sống còn của Ấn Độ.
Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông mà Tokyo đang kiểm soát, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc gần đây, đặc biệt là sau vụ suýt va chạm với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông cũng như tuyên bố đơn phương về việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) khiến nhiều nước quan ngại, đặc biệt là Nhật Bản và cả Ấn Độ.
Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc cũng có tranh chấp lâu dài liên quan đến vấn đề biên giới trên bộ. Gần đây, quân đội Trung Quốc đã gia tăng số lần xâm nhập vào một số khu vực biên giới mà New Dehli đang kiểm soát. Trên biển, Bắc Kinh đang triển khai thực hiện chiến lược “chuỗi ngọc trai", theo đó xây dựng căn cứ quân sự tại cảng Gwadar ở Pakistan; thiết lập cơ sở thu thập thông tin tình báo điện tử trên các đảo trong vịnh Bengal; triển khai dự án kênh đào qua Kra Isthmus ở Thái Lan, mở rộng quan hệ quân sự với Camphuchia…. Những điều trên đều khiến Ấn Độ cảm thấy bị đe dọa.
Với vị trí địa chính trị cùng tiềm lực kinh tế đáng kể và cùng có chung mối lo từ Trung Quốc, Ấn Độ đang trở thành một đối tác cũng như đồng minh của Nhật Bản. Hiện cả 2 nước đang xích lại gần nhau hơn, thúc đẩy quan hệ hữu nghị nhằm thực hiện mục tiêu chung.
CT (Theo Indiandefence)