Quyết định trên được công bố vào cuối ngày 1/4, sau cuộc họp tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản dưới sự chủ trì của Thủ tướng Yoshihide Suga cùng Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Norihisa Tamura. Theo đó, 3 địa phương nói trên sẽ triển khai các biện pháp trọng điểm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 5/4.
Khu vực áp dụng là thành phố Osaka thuộc phủ Osaka, các thành phố Kobe, Nishinomiya, Amagasaki, Ashiya của tỉnh Hyogo và thành phố Sendai tỉnh Miyagi.
Các biện pháp cụ thể là giới hạn thời gian kinh doanh của các nhà hàng ăn uống tối đa đến 20 giờ, hạn chế sử dụng dịch vụ karaoke; hạn chế số người tham gia các sự kiện ở mức tối đa là 5.000 người; tăng cường làm việc từ xa.
Phát biểu tại họp báo khi công bố quyết định, Thủ tướng Suga cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới đang tăng mạnh ở một số khu vực đã làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế địa phương. Do đó, thay vì tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, mang tính tập trung ở một số khu vực và trong một thời gian nhất định.
Quyết định được chính phủ Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ tư. Các biện pháp phòng dịch trọng điểm lần này về cơ bản tương tự các quy định trong thời gian tình trạng khẩn cấp nhưng khu vực và thời gian áp dụng linh hoạt hơn.
*Truyền thông Canada ngày 31/3 đưa tin tỉnh bang Ontario đông dân nhất của nước này chuẩn bị quay trở lại tình trạng phong tỏa sau khi ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-mới 2 tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Kênh truyền hình CBC và CTV đưa tin Thủ hiến tỉnh bang Doug Ford sẽ công bố quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa tại địa phương này trong 28 ngày, bắt đầu từ ngày 3/4.
Trong 1 tuần qua, mỗi ngày, Ontario ghi nhận 2.000 ca nhiễm mới, tăng gấp 2 lần so với đầu tháng 3. Trong ngày 31/3, tỉnh bang này ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong các phòng chăm sóc đặc biệt lên tới 421 ca, tương đương mức đỉnh địch hồi tháng 1/2021.
Một khi lệnh phong tỏa được khôi phục, các dịch vụ thiết yếu vẫn sẽ được mở cửa với công suất hoạt động đạt 50%, trong khi các cửa hàng kinh doanh đồ không thiết yếu sẽ giảm công suất hoạt động còn 25%. Các phòng tập thể thao và cửa hiệu làm tóc sẽ phải đóng cửa. Mặc dù vậy, dự kiến các trường học sẽ được mở cửa cho đến ngày 12/4.
Tính đến ngày 31/3, Canada ghi nhận hơn 982.000 ca nhiễm mới, bao gồm 23.000 ca tử vong do COVID-19.
* Ngày 1/4, truyền thông Đức đưa tin thủ đô Berlin chuẩn bị khôi phục lệnh cấm các hoạt động tập trung đông người vào ban đêm và giảm số trẻ em tại các nhà trẻ từ tuần tới nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3 ở nước này.
Trong vài ngày qua, thời tiết tại Berlin đang chuyển ấm và người dân thủ đô lại tập trung tại các khu vực công cộng để nghỉ ngơi và tổ chức tiệc tùng. Thực tế này làm dấy lên quan ngại dịch bệnh có thể lây lan ở nhóm người trẻ tuổi sau khi các trường học dần mở cửa trở lại vào tháng trước.
Hiệp hội các cơ quan y tế và đơn vị chăm sóc đặc biệt cho rằng Đức cần áp đặt lệnh phong tỏa trong 2 tuần, đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và tiến hành xét nghiệm tại các trường học.
Theo đề xuất, người dân Berlin, ngoại trừ trẻ em dưới 14 tuổi, được phép ở ngoài đường một mình hoặc cùng 1 người khác trong khoảng thời gian từ 21h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau. Từ 6/4, người dân thành phố này chỉ được phép tiếp 1 khách tại nhà riêng, thắt chặt so với quy định hiện hành là nhóm 5 người từ 2 gia đình có thể gặp gỡ, tiếp xúc. Đây sẽ là lệnh giới nghiêm ban đêm đầu tiên mà Berlin áp đặt kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia châu Âu này.
Tính đến nay, Đức ghi nhận 2,83 triệu ca nhiễm, trong đó riêng ngày 1/4 có thêm 24.300 ca nhiễm, số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 14/1.