Bên cạnh đó, theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản cũng đang thảo luận ý tưởng cấm ăn, uống đồ uống có cồn và reo hò to ở các địa điểm thi đấu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm qua các giọt bắn.
Vào cuối tháng này, Chính phủ Nhật Bản và Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo sẽ chính thức đưa ra quyết định về số lượng khán giả trong nước tối đa được phép tới dự khán Olympic và Paralympic Tokyo. Trước đó, Nhật Bản đã quyết định không cho phép khán giả từ các nước khác tới dự khán các sự kiện thể thao này.
Theo Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, trong thời gian từ ngày 1/4 đến 16/5, có tổng cộng 1.649 người nước ngoài đã tới Nhật Bản để chuẩn bị cho Olympic Tokyo, trong đó có 1.432 người (gồm cả vận động viên và nhân viên của các đài truyền hình) đã được miễn trừ thực hiện quy định cách ly 14 ngày. Những người nước ngoài này được phép thực hiện các công việc của mình ở các khu vực quy định và được phép di chuyển bằng các phương tiện giao thông sau 3 ngày cách ly miễn là họ lấy xét nghiệm COVID-19 trong các ngày thứ 3, thứ 8 và thứ 14 sau khi tới Nhật Bản. Riêng các vận động viên sẽ được phép tập luyện ngay sau khi đến nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày đầu tiên.
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 31/5, Nhật Bản đã mở rộng quy mô các điểm tiêm vaccine COVID-19 do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) quản lý ở thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka nhằm tăng công suất tiếp nhận của các điểm tiêm phòng này lên 15.000 người/ngày. Địa điểm tiêm phòng ở Tokyo sẽ tiếp nhận người dân sống ở thành phố này cùng với 3 tỉnh lân cận là Saitama, Chiba và Kanagawa, trong khi địa điểm tiêm phòng ở Osaka sẽ mở rộng cho tất cả những người sống ở tỉnh này.
Trong khi đó, Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản vừa yêu cầu chính quyền các địa phương chuẩn bị cho những người dưới 65 tuổi không có bệnh lý nền được tiêm vaccine phòng COVID-19 song song với những người có bệnh lý nền.