Dự kiến, Nhật Bản sẽ chính thức công bố quyết định này vào đầu tuần sau vì để rời khỏi IWC ngay trong năm sau, Tokyo cần thông báo cho ủy ban này trước ngày 1/1 tới.
Theo các nguồn tin, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ không săn bắt cá voi vì mục đích thương mại tại Nam Đại Dương ngay cả sau khi rút khỏi IWC, do Tokyo đang cân nhắc giới hạn hoạt động săn bắt cá voi vì mục đích thương mại tại các biển gần Nhật Bản cũng như trong khu vực đặc khu kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều thập kỷ qua, các nước thành viên IWC vẫn đang đối đầu nhau về việc ủng hộ hay chống săn bắt cá voi, chắc chắn quyết định của Tokyo rút khỏi IWC sẽ vấp phải sự chỉ trích của những nước phản đối săn bắt cá voi. Bên cạnh đó, vai trò của Nhật Bản cũng sẽ bị nghi ngờ do nước này là một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), vốn kêu gọi sử dụng và bảo tồn tài nguyên biển thông qua các tổ chức quốc tế.
Ngay sau khi Nhật Bản công bố kế hoạch trên, các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường của Australia và New Zealand đã lên tiếng phản đối. Bộ trưởng Môi trường Australia Melissa Price cho biết Canberra đã biết kế hoạch trên của Nhật Bản, nhưng vẫn mong muốn Tokyo tiếp tục là thành viên của IWC.
Bà cho biết Australia sẽ tiếp tục hợp tác với IWC nhằm bảo vệ cá voi, cũng như phản đối mọi hình thức thương mại, cũng như cái gọi là "nghiên cứu vì mục đích khoa học". Còn theo người đứng đầu Hiệp hội Bảo vệ biển Australia Darren Kindleysides, Nhật Bản sẽ "quay lưng với cộng đồng quốc tế" nếu nước này thúc đẩy kế hoạch rút khỏi IWC, coi đây là quyết định rất nguy hiểm đối với các hiệp ước và công ước khác của quốc tế.
Trong khi đó, đại diện của tổ chức bảo vệ cá voi và cá heo New Zealand Liz Slooten cho rằng kế hoạch của Tokyo rút khỏi IWC sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng, theo đó, có thể khuyến khích các nước ủng hộ săn bắt cá voi như Na Uy và Đan Mạch rút khỏi IWC.
Trong suốt 30 năm qua, Nhật Bản đã nỗ lực vận động nối lại hoạt động săn bắt đối với một số loài cá voi tương đối dồi dào về số lượng như cá voi lưng xám. Tuy nhiên, nỗ lực này luôn vấp phải sự phản đối của Australia và New Zealand. Gần đây nhất, tại cuộc họp thường niên của IWC hồi tháng 9 vừa qua tại Brazil, các nước cũng đã bỏ phiếu phủ quyết đề xuất của Nhật Bản nhằm nối lại hoạt động săn bắt cá voi mang tính thương mại.
Ngay sau đó, Tokyo đã đề cập khả năng rút khỏi IWC. Trước đó, hồi năm 2007, Nhật Bản cũng đã ngỏ ý rút khỏi IWC nhằm phản đối lệnh cấm săn bắt cá voi mang tính thương mại, nhưng sau đó, với sự thuyết phục của Mỹ và các quốc gia khác, nước này vẫn tiếp tục duy trì tư cách thành viên cho đến nay.
IWC được thành lập năm 1948 theo Công ước Quốc tế về săn bắt cá voi nhằm bảo tồn, duy trì sự phát triển và quản lý hoạt động săn bắt loài này. Nhật Bản gia nhập IWC vào năm 1951. Mặc dù tạm ngừng hoạt động săn bắt cá voi vì mục đích thương mại theo đúng lệnh cấm được IWC thông qua hồi năm 1982, song Tokyo đã nối lại hoạt động này từ năm 1987 với lý do phục vụ mục đích "nghiên cứu khoa học".
Theo quy định của IWC, quyết định rút khỏi tư cách thành viên của tổ chức này sẽ có hiệu lực từ ngày 30/6 nếu nước thành viên thông báo cho ủy ban trước ngày 1/1.