Cơ sở hạt nhân Yongbyon ngày 13/1. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Đề nghị trên nhằm thúc đẩy Triều Tiên hành động để từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo các quan chức trên, Nhật Bản dự kiến gánh phần lớn các khoản chi ban đầu từ 350 triệu yen (3,28 triệu USD) tới 400 triệu yen (3,75 triệu USD), được cho là cần thiết để tài trợ hoạt động thanh sát tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên, gồm một nhà máy làm giàu urani, một lò phản ứng và cơ sở tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng. Nhật Bản cũng đang xem xét tăng thêm các khoản tiền nếu chi phí gia tăng, chẳng hạn như do phát hiện những cơ sở mới.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono gặp Giám đốc IAEA Yukiya Amano tại Vienna (Áo) hồi tháng trước và nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn với hy vọng nối lại các cuộc thanh sát hạt nhân tại Triều Tiên.
Nhật Bản và Mỹ coi các cuộc thanh sát của IAEA là bước đầu tiên hướng tới việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, IAEA hiện không được tiếp cận trực tiếp các cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên kể từ sau khi các thanh sát viên bị trục xuất hồi tháng 4/2009. Tháng 8/2017, IAEA đã thành lập một tổ đặc nhiệm nhằm chuẩn bị nối lại hoạt động thanh sát này ngay khi có thể đạt một thỏa thuận với Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Nhật Bản hy vọng phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc lập ra một lộ trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, dựa trên một thỏa thuận chung đạt được hồi tháng 9/2005 tại bàn đàm phán 6 bên (giữa Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên). Lộ trình này sẽ có thể được chia thành nhiều bước, mỗi bước sẽ được các thanh sát viên của IAEA kiểm chứng, và dẫn tới dỡ bỏ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nhật Bản thừa nhận tiến trình này sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì riêng việc xác định các địa điểm đặt các cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên cũng đã là một nhiệm vụ khó khăn.
Đề xuất trên của Nhật Bản được đưa ra 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp riêng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 5, và tin tưởng rằng cuộc gặp tới sẽ đem lại "thành công lớn". Trước đó, ông Kim Jong-un cho biết sẵn sàng thảo luận vấn đề hạt nhân với Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ không phóng thử tên lửa trong lúc hai bên tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử này. Các động thái trên được giới chuyên gia đánh giá là bước ngoặt lớn và được kỳ vọng mở ra cơ hội tạo đột phá trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.