Trong một tuyên bố ngày 28/8, Thị trưởng thành phố Fukushima Hiroshi Kohata cho biết không thể trưng bày một bức tượng mang ý nghĩa biểu tượng cho công cuộc tái thiết nhưng lại là nguyên nhân gây bất đồng trong dân cư thành phố. Theo ông, bức tượng này sẽ được tháo dỡ càng sớm càng tốt và giới chức thành phố sẽ thảo luận cách thức xử lý bức tượng này.
Hồi đầu tháng này, chính quyền thành phố Fukushima đã cho dựng bức tượng "Em bé Mặt trời" cao 6,2 mét gần ga tàu điện chính của thành phố.
Bức tượng hình một cậu bé mặc bộ đồ bảo hộ màu vàng cùng màn hình điện tử trước ngực ghi ba chữ số "000" mang ý nghĩa không có dấu hiệu nhiễm phóng xạ. Cậu bé ôm chiếc mũ bảo hộ trên một tay, cho thấy không khí an toàn để có thể hít thở, đồng thời tay còn lại cầm biểu tượng Mặt Trời, tượng trưng cho hy vọng và năng lượng mới.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng bức tượng không thực sự phù hợp với tình hình Fukushima hiện nay trong bối cảnh thành phố đang phải nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm phóng xạ sau sự cố rò rỉ hạt nhân từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 trong thảm họa sóng thần năm 2011, được cho là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử thế giới kể từ sau vụ nổ lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, Ukraine, năm 1986.
Vụ rò rỉ đã ảnh hưởng tới một vùng nông nghiệp rộng lớn, khiến nhiều người dân địa phương phải bỏ lại tài sản, nhà cửa đi sơ tán và có thể không bao giờ trở lại vì lo ngại ô nhiễm phóng xạ. Fukushima đang cố gắng để lấy lại danh tiếng.
Những trang trại địa phương thường xuyên tiến hành kiểm tra mức độ phóng xạ đối với nông sản nhằm đảm bảo an toàn trước khi chuyển tới các cửa hàng. Tuy nhiên, khách hàng vẫn ngần ngại mua chúng vì lo sợ nhiễm độc.
Tác giả của bức tượng, nghệ nhân Kenji Yanobe cho rằng việc tháo dỡ bức tượng là rất đáng tiếc, nhưng ông cũng không muốn tác phẩm của mình lại là nguồn gốc gây tranh cãi ở trong và ngoài thành phố.