5 con tàu, trang bị nhiều cây lao móc bịt vải nhựa, đã rời cảng Kushiro ở miền Bắc Nhật Bản vào sáng sớm 1/7. Gần như cùng lúc đó, 3 tàu đánh bắt cá voi khác cũng rời cảng Shimonoseki ở phía Tây Nam quần đảo.
Theo Cơ quản quản lý đánh bắt cá Nhật Bản, những con tàu này dự kiến sẽ đánh bắt 227 con cá voi từ nay cho đến cuối tháng 12.
Chính quyền Nhật đã trì hoãn công bố hạn ngạch đánh bắt cá voi cho đến khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka hôm 29/6. Hạn ngạch đánh bắt cá này bao gồm 52 con cá voi minke, 150 con cá voi Bryde và 25 cá voi sei.
Việc Nhật Bản cho phép đánh bắt cá voi từ lâu đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ của các nhà hoạt động môi trường và các quốc gia phản đối săn cá voi. Tuy nhiên, hạn ngạch mới công bố lại là tin mừng đối với giới chức ngành cá voi Nhật Bản.
“Tim tôi trào dâng hạnh phúc”, tờ Guardian dẫn lời ông Yosshifumi Kai, Chủ tịch Hiệp hội Cá voi cỡ nhỏ Nhật Bản, phát biểu tại buổi lễ ra khơi có sự tham gia của các chính trị gia, quan chức địa phương và những người săn cá voi.
Ông Kai, một quan chức ngư nghiệp ở Taiji, nơi nạn đánh bắt cá heo nhiều năm qua khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ - nói thêm rằng: “Đây là một ngành công nghiệp nhỏ, nhưng tôi tự hào được săn cá voi. Người dân quê tôi đã săn cá voi trong hơn 400 năm qua”.
Nhật Bản là mục tiêu của nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế khi sử dụng một điều khoản trong Nghị định thư về đánh bắt cá voi thương mại vào năm 1986 của Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) để tiến hành săn cá voi vì mục đích được họ cho là “nghiên cứu khoa học” tại Nam cực. Tuy nhiên, thịt cá voi được bán công khai ở các chợ đã dấy lên cáo buộc cho rằng đây chỉ là vỏ bọc cho hoạt động săn cá voi vì mục đích thương mại.
Video cảnh tàu Nhật Bản đánh bắt cá voi minke ở Nam Cực (độc giả cân nhắc trước khi xem:
Cuối năm ngoái, Nhật Bản thông báo sẽ rút khỏi IWC sau khi tức giận vì không thể thuyết phục các thành viên khác ủng hộ cho phép đánh bắt cá voi thương mại “một cách bền vững”.
Những người săn cá voi Nhật Bản đã giết hại 333 con cá voi minke trong mùa săn cá “nghiên cứu” cuối cùng của họ ở Nam cực, kết thúc hồi tháng 3 năm nay. Trong những năm trước đó, họ giết tới gần 1.000 con cá voi mỗi năm.
Ngư dân ở các vùng như Abashiri, Taiji , Ishinomaki và Minamiboso – những nơi có truyền thống săn cá voi – đều tham gia vào đợt săn cá voi thương mại này ở các vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Ngư dân nước này sẽ không được quyền đưa tàu của mình tới Nam Cực vào mỗi mùa Đông để đánh bắt cá voi sau quyết định rút khỏi IWC.
Nghề săn cá voi được cho là ra đời tại Nhật Bản từ khoảng thế kỷ 12, tuy nhiên, hoạt động đánh bắt trên quy mô công nghiệp chỉ bắt đầu vào khoảng năm 1890. Trong thế kỷ 20, Nhật Bản đã đẩy mạnh săn bắt cá voi vì mục đích thương mại. Hoạt động này tiếp diễn cho đến khi Nghị định thư của Ủy ban Cá voi Quốc tế về săn cá voi thương mại có hiệu lực vào năm 1986. Để "lách" Nghị định thư này, Nhật Bản tiếp tục săn cá voi nhưng lấy lý do là phục vụ "nghiên cứu khoa học" và giao cho Viện Nghiên cứu Cá voi phụ trách.
Tháng 3/2014, Tòa án Công lý Quốc tế thuộc Liên hợp quốc ra phán quyết rằng chương trình săn cá voi của Nhật Bản ở vùng biển Nam Cực (có tên gọi là "JARPA II") là không tuân thủ Công ước Quốc tế về Điều tiết Cá voi, và đây cũng không phải là hoạt động vì mục đích khoa học như được tuyên bố. Tòa yêu cầu Nhật Bản dừng săn bắt cá voi. Nhưng bất chấp phán quyết đó, một năm sau, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vẫn kêu gọi nối lại hoạt động đánh bắt cá voi. Vào tháng 12/2015, Nhật Bản tiếp tục chương trình cá voi, với tên gọi mới là "NEWREP-A". Ngày 15/1/2017, một máy bay trực thăng bay trên Khu vực Cá voi trú ẩn Australi (AWS - một khu vực cấm đánh bắt) đã chụp được ảnh tàu đánh cá Nhật Bản với một con cá voi minke mới bị giết ở trên boong.
Tháng 12/2018, Nhật Bản thông báo sẽ nối lại săn bắt cá voi thương mại từ tháng 7/2019 trên các vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Và hạn ngạch đánh bắt của mùa cá voi năm nay được Tokyo công bố ngày 30/6 ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka.