Nguyên nhân không chỉ vì thời tiết bất lợi như mưa lớn bất ngờ, mà còn vì nhiều vấn đề ảnh hưởng đến người dân.
Thành phố Naruto ở phía Tây tỉnh Tokushima, Nhật Bản thường tổ chức lễ hội pháo hoa dọc theo sông Muya. Năm 2023, lễ hội được tổ chức lần đầu tiên sau 4 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi lễ hội kết thúc, chính quyền đã nhận được phàn nàn từ người dân trong khu vực về việc tro pháo hoa làm bẩn xe, cùng nhiều vấn đề khác.
Năm nay, ban tổ chức do chính quyền thành phố Naruto, Phòng Thương mại và Công nghiệp và Hiệp hội Du lịch thành lập đã quyết định hủy bỏ lễ hội này do nguy cơ làm bẩn xe và ngày càng nhiều ngôi nhà lắp đặt tấm pin Mặt Trời trên mái. Ban tổ chức đã cân nhắc việc tổ chức tại một địa điểm khác, nhưng do không thể giải quyết được những lo ngại về vấn đề an toàn và khả năng xảy ra cháy nên đã quyết định hủy bỏ lễ hội. Năm tới, họ dự định thu hẹp quy mô và chuyển địa điểm tổ chức. Tuy nhiên, đây không phải là lễ hội pháo hoa duy nhất ở Nhật Bản bị hủy vì lo ngại tro tàn rơi xuống.
Năm 2023, Lễ hội pháo hoa công viên Shinsui, cảng Funabashi tại thành phố Funabashi thuộc tỉnh Chiba, phía Đông Tokyo đã khiến một số du thuyền gần cảng bị bẩn và cháy xém, khiến ban tổ chức cũng phải hủy bỏ sự kiện năm nay.
Tại thành phố Sayama thuộc tỉnh Saitama, gần Tokyo, lễ hội pháo hoa cũng bị hủy vì cần có biện pháp đối phó với việc tro bụi lan ra nhà cửa, đường sá và ô tô.
Trong khi đó, để tránh ảnh hưởng đến người dân và tắc nghẽn, ban tổ chức lễ hội thành phố Sanda, tỉnh Hyogo, miền Tây Nhật Bản đã lên kế hoạch di dời địa điểm tổ chức năm 2023 đến một công viên thể thao cách đó khá xa. Tuy nhiên, người dân lại phàn nàn về việc khó nhìn thấy pháo hoa và cũng có nguy cơ tro pháo hoa sẽ gây cháy rừng gần đó. Vì vậy, ban tổ chức đã thông báo hủy sự kiện năm nay.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Pháo hoa Nhật Bản Haruyuki Kono cho rằng cần quan tâm đúng mức đến các tình huống xung quanh mỗi sự kiện pháo hoa, để đảm bảo việc thưởng thức an toàn lễ hội truyền thống đã tồn tại trong nhiều thập kỷ này.