Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (giữa), Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (phải) và Ngoại trưởng Mỹ State Rex Tillerson. Ảnh: EPA/TTXVN |
Theo hãng tin Kyodo, tại cuộc gặp song phương bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và một loạt các hội nghị khác được tổ chức tại Manila (Philippines), hai ngoại trưởng cũng xác nhận Nhật Bản và Indonesia sẽ bắt đầu lên kế hoạch tổ chức các cuộc đối thoại an ninh giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng hai nước trong năm nay.
Hai bên cũng nhất trí cần gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng để đạt được những bước đi cụ thể hướng đến việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó một ngày, bên lề ARF, Ngoại trưởng Kono cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha (Cang Kiêng Hoa), trong đó hai bên đều bày tỏ hy vọng đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề liên quan tới Triều Tiên.
Trước cuộc gặp, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha đã nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc đối thoại thường xuyên về chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Kono gọi Hàn Quốc là “nước láng giềng quan trọng nhất có chung nhiều lợi ích chiến lược” với Nhật Bản.
Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 8/8, tại Manila, Ngoại trưởng Hàn Quốc đã chỉ trích các hành động của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Bà nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần đoàn kết hơn nữa cũng như phải kiên định trong việc thực hiện Nghị quyết 2371 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Bà kêu gọi Triều Tiên sớm từ bỏ chương trình hạt nhân và hướng đến việc thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực.
Hôm 6/8, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết mới tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày 4/7 và 28/7 vừa qua. Theo nghị quyết mới do Mỹ soạn thảo này, Triều Tiên không được phép xuất khẩu than đá, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản.
Văn kiện này cấm các nước thuê thêm lao động đến từ Triều Tiên, cấm thiết lập quan hệ hợp tác với doanh nghiệp đến từ Triều Tiên hay đầu tư thêm vào các liên doanh hiện có. Cả Mỹ và Hàn Quốc đều hoan nghênh nghị quyết trừng phạt mới được thông qua với số phiếu tuyệt đối này.
Trong khi đó, Triều Tiên đã bác bỏ nghị quyết trên, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả Mỹ nếu Washington vẫn giữ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng.