Nhật Bản kiên quyết xử lý ADIZ của Trung Quốc

Ngày 29/11, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết nước này sẽ xử lý vấn đề Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết, bằng cách phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.         

Vùng ADIZ chồng lấn giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Ảnh: CNN


Được biết, ông Abe cùng ngày đã nhận được bản nghị quyết được Hội đồng Nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền thông qua. Nghị quyết cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố thành lập khu vực này hôm 23/11 là một thách thức nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế và không thể chấp nhận được. Nghị quyết yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức thu hồi quyết định này và kêu gọi Nhật Bản tiến hành các biện pháp cần thiết để đạt được mục đích này.      

Phản hồi về nghị quyết của Hội đồng Nghiên cứu chính sách, ông Abe cho hay sẽ giải quyết vấn đề một cách thích đáng và sẽ lưu ý tới những khuyến nghị mà nghị quyết đưa ra.

Trung Quốc điều máy bay chiến đấu vào biển Hoa Đông

Cùng ngày, Trung Quốc đã điều động hai máy bay chiến đấu để theo dõi các máy bay do thám và quân sự của Nhật Bản và Mỹ hoạt động tại khu vực mà mới đây Trung Quốc đơn phương tuyên bố là ADIZ của nước này ở Biển Hoa Đông.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc điều máy bay quân sự vào vùng biển Hoa Đông kể từ khi ra tuyên bố về ADIZ. Động thái này có nguy cơ sẽ đẩy căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á lên một nấc mới trong bối cảnh nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều lên tiếng phản đối ADIZ của Trung Quốc.  

Các hãng tin nước ngoài dẫn nguồn Tân hoa xã cho biết Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo đã xác định và giám sát được 2 máy bay do thám của Mỹ và 10 máy bay quân sự của Nhật Bản hoạt động ở Hoa Đông sáng 29/11, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp phòng vệ nhưng các máy bay trên không tuân thủ.  

Tân hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tần Cương tuyên bố: "ngày 29/11, các máy bay thuộc lực lượng không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa có quyền tuần tra tại ADIZ của nước này ở biển Hoa Đông với mục tiêu đảm bảo hoạt động phòng không" và "các lực lượng vũ trang luôn được đặt trong tình trạng báo động cao".

Tại buổi họp báo, ông Tần Cương cũng đề nghị giới báo chí phân biệt rõ giữa Vùng Nhận dạng phòng không và "không phận". Ông khẳng định "các biện pháp Trung Quốc hiện áp dụng để kiểm soát không phận sẽ không được mở rộng ra cho ADIZ và hoạt động bay thông thường của các quốc gia sẽ không bị ảnh hưởng".

Đối với câu hỏi về việc nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu cung cấp lịch bay qua ADIZ, ông Tần Cương giải thích vì luật pháp quốc tế không có điều khoản rõ ràng đối với vấn đề này, nên yêu cầu của Bắc Kinh không vi phạm luật quốc tế và phù hợp với các thủ tục của quốc tế.  

Thông báo của Trung Quốc về việc cử máy bay tuần tra ADIZ được đưa ra sau khi Mỹ điều hai máy bay ném bom B-52 vào vùng biển Hoa Đông hôm 27/11 mà không vấp phải bất cứ phản ứng nào từ Bắc Kinh. Điều này đã khiến cho dư luận đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đủ khả năng quân sự để tiến hành kiểm soát vùng ADIZ trong bối cảnh hoạt động này đòi hỏi các kỹ thuật quân sự tiên tiến như hệ thống radar cảnh báo sớm và máy bay tiếp nhiên liệu trên không.  

Trong khi đó, hãng thông tấn ITAR-TASS dẫn nguồn Cục hàng không quốc gia Nga Rosaviation cho biết các hãng hàng không Nga không hoạt động trong ADIZ do Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông.      

Rosaviation đã thông báo về điều này khi có thông tin rằng máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc đã bắt đầu tuần tra khu vực bao gồm cả quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, Điếu Ngư/Senkaku.


TTXVN/Tin tức

Nhật Bản trang bị tàu hiện đại bảo vệ bờ biển
Nhật Bản trang bị tàu hiện đại bảo vệ bờ biển

Nhật Bản đã chuyển giao một tàu tuần tra tiên tiến mới, có tên Akitsushima, cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển nước này (JCG).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN