Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay các chuyên gia dự đoán chi phí diệt kiến sẽ không hề nhỏ khi nước Mỹ từng chi 6,42 tỷ USD mỗi năm diệt loài sinh vật này.
Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, lần đầu tiên giới chức Nhật Bản phát hiện kiến lửa đỏ, hay tên khoa học là Solenopsis invicta, tại các bến cảng ở Nagoya, Osaka và Kobe cách đây 2 năm. Họ cho rằng loài côn trùng này thâm nhập Nhật Bản thông qua các container chở hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và vùng Đông Nam Á.
Một con kiến lửa chúa có thể đẻ tới 1.600 trứng trong một ngày. Loài côn trùng này, có thể dài đến 6mm, nổi tiếng hung hăng. Vết cắn của chúng có thể gây sốc phản vệ. Đối với trẻ nhỏ và người già, nọc độc kiến lửa có thể khiến họ nguy kịch, thậm chí tử vong.
Bất chấp những nỗ lực nhằm ngăn chặn kiến lửa tràn thêm vào Nhật Bản, các quan chức tại Bộ Môi trường và Chính quyền Tokyo xác nhận các ổ kiến lửa đỏ với hơn 50 con chúa đã được tìm thấy tại cảng Tokyo. Giới truyền thông dự đoán loài kiến này có thể đã lan rộng đến các vùng khác ở Nhật Bản.
“Một khi chúng xuất hiện, vô cùng khó để ngăn chặn chúng lây lan”, ông Kevin Short, nhà tự nhiên học tại Đại học Khoa học Thông tin Tokyo cho biết. Theo ông, biện pháp duy nhất có thể thực hiện bây giờ là hướng dẫn người dân phát hiện và báo cáo về những tổ kiến lửa, sau đó nhanh chóng tiêu diệt chúng trước khi chúng lan rộng hơn.
Tuy nhiên, ông Short cảnh báo biện pháp này có thể không đủ hiệu quả để chặn đường di cư của chúng. Nếu dùng thuốc hóa học diệt côn trùng để giết kiến lửa, điều này có thể gây tác dụng ngược do sẽ xóa sổ các loài kiến tự nhiên khác, thậm chí còn giúp kiến lửa dễ dàng lây lan hơn.
Nước Mỹ từng nếm trải thiệt hại do kiến lửa đỏ gây ra sau khi loài côn trùng này thâm nhập Mỹ vào thập niên 1930. Trong thế kỷ qua, kiến lửa đã lan đến nhiều vùng khác trên thế giới, trong đó có Autralia và Trung Quốc. Chúng xây tổ trong nhà dân, các công trình công cộng, làm hư hại về cấu trúc. Kiến lửa cũng phá hủy các cơ sở hạ tầng như trạm viễn thông và việc chúng xây tổ dưới lòng đất cũng phá hoại mùa màng và gia súc của nông dân.
Ông Short cho hay nỗ lực diệt kiến lửa sẽ tốn kém. Nhật Bản phải đối mặt với những khoản chi khổng lồ mà Mỹ phải trả hàng năm để diệt kiến. Tương tự, Australia cũng phải chi hơn 275 triệu USD/năm để kiểm soát kiến lửa.
New Zealand là nước từng triển khai những chiến dịch diệt kiến lửa hiệu quả nhất kể từ lần đầu phát hiện ổ của chúng năm 2006. Họ cấm vận chuyển đất và cây trong bán kính 2km của vùng có kiến lửa cùng nhiều lệnh cấm khác.
Mới đây, Bộ Môi trường Hàn Quốc ngày 10/10 cho biết đã phát hiện được khoảng 5.900 con kiến lửa đỏ trong một container của một doanh nghiệp sản xuất máy hút bụi thuộc khu công nghiệp Banwol, thành phố Ansan vào sáng 8/10. Đây là lần thứ 8 Hàn Quốc phát hiện kiến lửa đỏ. Cơ quan kiểm dịch đã tiến hành công tác diệt trừ kiến quanh địa điểm phát hiện được, quét vạch sơn trắng nhằm ngăn chặn sự lan rộng của kiến lửa đỏ. Ban quản lý cảng Incheon cũng đã phát hiện thêm hàng chục con kiến lửa đỏ tại khu vực đặt container nói trên.
Kiến lửa đỏ là loài kiến mang độc tính mạnh. Khi bị kiến lửa đỏ cắn, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sưng, ngứa nghiêm trọng, nặng hơn có thể dẫn tới bị sốc về đường hô hấp, chóng mặt. Ở Bắc Mỹ, loài kiến này được mệnh danh là “kiến sát nhân”, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người bị kiến lửa đỏ cắn, hơn 100 người tử vong.