Theo quy định của IWC, Nhật Bản sẽ chính thức ra khỏi tổ chức này vào ngày 30/6/2019, sau khi đưa ra thông báo vào ngày 1/1/2019. Sau khi rút khỏi IWC, Nhật Bản sẽ cho phép đánh bắt cá voi ở các vùng biển gần nước này và thuộc vùng đặc quyền kinh tế, nhưng không cho phép khai thác ở Nam Cực, bởi đây là khu vực phục vụ nghiên cứu khoa học.
Thông báo trên được đưa ra nhiều tháng sau khi Nhật Bản tuyên bố sẽ ra khỏi IWC, một tổ chức quốc tế mà lâu nay vẫn tồn tại bất đồng sâu sắc giữa các nước ủng hộ và phản đối việc đánh bắt cá voi. Tại cuộc họp thường niên của IWC vào tháng 9 ở Brazil, đề nghị của Nhật Bản về việc nối lại hoạt động đánh bắt thương mại đã bị bác bỏ.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, sau khi rút khỏi, nước này sẽ vẫn đóng góp vào việc bảo tồn các nguồn tài nguyên biển khi tham gia vào IWC với tư cách quan sát viên và đánh bắt cá voi trong giới hạn cho phép theo cách tính toán của tổ chức này.
Trong 30 năm qua, Nhật Bản đã tiến hành vận động cho việc nối lại hoạt động đánh bắt thương mại đối với các giống cá voi tương đối dồi dào như cá voi nhỏ thân màu xám trắng, trong khi vẫn là thành viên của IWC, nhưng nỗ lực này luôn vấp phải trở ngại đến từ những nước phản đối việc đánh bắt loài cá này như Australia và New Zealand.