Nhật Bản phản đối trưng cầu ý dân ở Crimea

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 10/3 cho rằng cuộc trưng cầu ý dân (dự kiến diễn ra vào ngày 16/3 tới) về việc Crimea (Crưm) có nên sáp nhập vào Nga không sẽ đi ngược lại Hiến pháp Ukraine và đặt nghi vấn về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Suga nói: "Chúng tôi coi (cuộc trưng cầu ý dân) là đi ngược lại Hiến pháp Ukraine và cũng là vấn đề khó giải quyết xét về góc độ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ (cho Ukraine)", đồng thời cho biết thêm rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục "theo dõi tình hình với sự quan ngại và lo lắng sâu sắc".

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: AFP


Tuy nhiên, ông Suga từ chối bình luận về việc Nhật Bản có kế hoạch cử người đứng đầu ban thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Shotaro Yachi tới Nga để trao đổi quan điểm và phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

*Cùng ngày 10/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã lên tiếng phản bác chỉ trích của Trung Quốc rằng những phát ngôn và hành động gần đây của giới lãnh đạo Nhật Bản đã làm tổn hại quan hệ song phương, cho rằng cáo buộc đó là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Hôm 8/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: "Tình hình hiện nay không phải những gì chúng tôi muốn chứng kiến. Những bình luận và hành động gần đây của giới lãnh đạo Nhật Bản đi ngược lại tinh thần của cam kết năm 1972 và làm tổn hại nền tảng của quan hệ Trung - Nhật".

Phát biểu họp báo, ông Suga tuyên bố "thực sự đáng tiếc" khi ông Vương Nghị lại đưa ra những bình luận như vậy, đồng thời tái khẳng định lập trường của Tokyo về chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới đền Yasukuni hồi tháng 12/2013. Ông nhấn mạnh Thủ tướng Abe muốn "đưa ra cam kết không phát động chiến tranh một lần nữa" và Nhật Bản sẽ tiếp tục giải thích lập trường này với Trung Quốc.

Nhật Bản và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1972. Tokyo bảo lưu quan điểm rằng trách nhiệm pháp lý của Nhật Bản đối với các hành động trong thời chiến tại Trung Quốc đã được giải quyết trong tuyên bố chung năm 1972.

*Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này sẽ tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân được Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản (NRA) thẩm định là an toàn. Tuyên bố của ông Abe được đưa ra 1 ngày trước lễ tưởng niệm 3 năm ngày xảy ra thảm họa động đất-sóng thần kinh hoàng dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.

Toàn cảnh các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Ohi thuộc Công ty điện lực Kansai ở thị trấn Ohi, quận Fukui. Ảnh: Kyodo/ TTXVN


Cùng ngày, nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết trong cuộc đàm phán không chính thức hôm 3/3 với Triều Tiên tại Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc, Tokyo đã đề nghị nối lại đàm phán chính thức với Bình Nhưỡng, nhưng dường như Triều Tiên không phản hồi đề nghị này.

Theo chính sách "đối thoại và gây áp lực", Nhật Bản cam kết phối hợp để tiến tới giải pháp toàn diện cho các vấn đề còn tồn đọng liên quan tới Triều Tiên, như vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản cũng như chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trước đó, các cuộc đàm phán chính thức với sự góp mặt của các quan chức ngoại giao cấp cao 2 nước đã bị đình trệ sau khi Triều Tiên phóng "vệ tinh" hồi tháng 12/2012, vốn bị các nước chỉ trích là vỏ bọc của một vụ thử công nghệ tên lửa tầm xa, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.


TN
(Theo Kyodo)
Cựu BTQP Mỹ Robert Gates: Vấn đề Crimea đã an bài
Cựu BTQP Mỹ Robert Gates: Vấn đề Crimea đã an bài

Chính quyền Obama đang nỗ lực tìm cách buộc Moskva "rút quân" khỏi bán đảo Crimea (Crưm). Thế nhưng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thì cho rằng: Đã quá muộn để ngăn vùng đất tự trị này sáp nhập vào nước Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN