Chương trình có trị giá 220 triệu USD này nằm trong gói kích thích khẩn cấp của chính phủ Nhật Bản để giảm thiểu những tác động kinh tế tiêu cực mà COVID-19 gây ra. Nó hướng đến mục tiêu giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung thông qua trợ cấp về tài chính đối với việc xây dựng cơ sở sản xuất cũng như các nghiên cứu tiền khả thi tại những nước ASEAN.
Sáng kiến trên được đưa ra sau khi nhiều hãng ô tô và các nhà sản xuất khác phải đối mặt với tình cảnh thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào đầu năm nay.
Một quan chức thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, chương trình tài trợ này sẽ giúp Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cứ điểm sản xuất ở Đông Nam Á - ý tưởng đã được đưa ra trước thời điểm COVID-19 xuất hiện. Nó cũng góp phần tạo lập quan hệ tốt đẹp hơn giữa Nhật Bản với các nước ASEAN.
Để tránh các nguy cơ khác nhau từ việc lệ thuộc quá nhiều vào sản xuất ở Trung Quốc, ví như làn sóng chống Nhật Bản, giá nhân công tăng hay cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, các công ty Nhật Bản đã lựa chọn Đông Nam Á là cơ sở kế tiếp dưới chiến lược có tên gọi “Trung Quốc + 1”.
Trong một nỗ lực khác nhằm củng cố chuỗi cung, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 220 tỉ yen (2,065 tỉ USD) để thúc đẩy sản xuất trong nước đối với các mặt hàng hiện phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu từ một số khu vực nhất dịnh. Gói trợ cấp cũng nằm trong chương trình kích thích kinh tế tổng thể và sẽ hỗ trợ tài chính cho việc dịch chuyển sản xuất của các công ty Nhật Bản từ nước ngoài về nội địa.
Chương trình cũng sẽ ưu tiên các nhà sản xuất chuyên chế tạo ra các mặt hàng cần thiết cho người dân Nhật Bản để có một cuộc sống khỏe mạnh, trong đó có khẩu trang và nước tẩy rửa. Các công ty có thể nhận được tài trợ khi mở mới nhà máy sản xuất hoặc nâng cấp các cơ sở hiện có ở Nhật Bản.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật, phụ tùng ô tô sản xuất tại Trung Quốc chiếm 36,9% tổng nhập khẩu phụ tùng ô tô Nhật Bản trong năm 2019, trong khi nhập khẩu điện thoại bàn từ Trung Quốc chiếm 85,5% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.
Theo Takahiro Fujimoto, Giáo sư tại Đại học Kinh tế Tokyo, hai chương trình trợ cấp này là hợp lý xét về tầm nhìn dài hạn, vì nó sẽ khuyến khích các nhà sản xuất của Nhật Bản đạt tới một điểm cân bằng về địa điểm sản xuất giữa Trung Quốc-Nhật Bản-ASEAN.
Nhưng ông cũng cho rằng việc đa dạng hóa và bản địa hóa các chuỗi sản xuất toàn cầu chỉ nên thực hiện nếu như nó mang lại các ưu thế về chi phí cho doanh nghiệp. Bởi Điều quan trọng là các hệ thống sản xuất vừa phải đảm bảo được tính cạnh tranh, đồng thời lại phải thích ứng được với các tình huống thảm họa.