Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh rằng thông tin này là không đúng sự thật. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng phủ nhận thông tin trên, đồng thời nêu rõ chính phủ nước này sẵn sàng tìm ra những cách thức hợp lý có thể được các nạn nhân và người dân của cả hai nước chấp nhận, và tiếp tục liên lạc với giới chức ngoại giao Nhật Bản.
Hôm 28/10, hãng tin Kyodo dẫn một số nguồn tin thân cận với quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết hai nước này đã bắt đầu tìm kiếm cách thức giải quyết những tranh cãi kéo dài nhiều tháng qua liên quan đến vấn đề bồi thường lao động thời kỳ chiến tranh và việc thành lập một quỹ cung cấp tài chính cho hoạt động hợp tác kinh tế là một lựa chọn.
Theo các nguồn tin trên, ý tưởng này là chính phủ và các doanh nghiệp tại Hàn Quốc thành lập một quỹ và các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đóng góp về tài chính để quỹ này có thể được sử dụng dưới danh nghĩa hợp tác kinh tế, chứ không phải là khoản bồi thường cho người lao động thời kỳ chiến tranh.
Vấn đề lao động cưỡng bức trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới II đã gây mâu thuẫn trong quan hệ hai nước. Cụ thể, trong khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động, Tokyo luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó nước này bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính 500 triệu USD.
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Đáp lại, Hàn Quốc thông báo quyết định không gia hạn Hiệp định bảo đảm thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản.