Nhật Bản với thách thức bảo tồn núi Phú Sỹ

Núi Phú Sỹ, một trong những biểu tượng đặc trưng của xứ sở Phù Tang, đang trong quá trình thẩm định để trở thành di sản văn hóa thế giới vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng khai thác dịch vụ leo núi ngắm Mặt Trời mọc diễn ra quá mức hiện nay, cũng như việc lượng khách du lịch ngày càng tăng, dư luận bày tỏ lo ngại về khả năng biểu tượng này của Nhật Bản có thể sẽ “vuột” mất danh hiệu trên.


Hạn chế khai thác, kiểm soát du lịch


Nhiều tổ chức văn hóa ở Nhật Bản cho rằng các chính sách bảo tồn chỉ nhằm mục đích gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của núi Phú Sỹ như hiện nay là chưa đủ. Thay vào đó các cơ quan chức năng cần có nhiều hành động thiết thực hơn.

Núi Phú Sỹ là một trong các biểu tượng đặc trưng của đất nước Nhật Bản. Ảnh Internet


Trong quá khứ, khi làm thủ tục đăng ký là di sản thiên nhiên thế giới, Nhật Bản đã gặp nhiều ý kiến phê phán về tình trạng xả rác thải bừa bãi trên các tuyến đường dẫn lên đỉnh núi Phú Sỹ. Tuy nhiên, trong hội nghị quốc tế về di tích-di sản mới đây, vấn đề rác thải đã không còn được đề cập tới. Thay vào đó, hội nghị đánh giá cao những giá trị văn hóa của núi Phú Sỹ, cho rằng đây là “thánh địa” của những người leo núi và Phú Sỹ hội tụ được cả những nét truyền thống tôn giáo và truyền thống nghệ thuật của Nhật Bản.


Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hai vấn đề đe dọa trực tiếp tới núi Phú Sỹ hiện nay là việc mở rộng khai thác và tình trạng gia tăng lượng du khách leo núi. Việc ùn tắc trên các tuyến đường lên núi do du khách gây ra vào mùa du lịch cứ liên tục lặp đi lặp lại theo từng năm. Thực trạng này khiến không ít người dân Nhật Bản cho rằng phải chăng đã đến lúc Nhật Bản cần khẩn trương ban hành kế hoạch đối phó khẩn cấp, hay chiến lược hạn chế khai thác, kiểm soát lượng du khách cho các khu vực xung quanh và trong lòng di sản Phú Sỹ.


Đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa


Theo Tổ chức nghiên cứu, gìn giữ môi trường Nhật Bản, việc cộng đồng quốc tế đánh giá cao vẻ đẹp tự nhiên của núi Phú Sỹ, cũng như những giá trị mang tính văn hóa của nó, cho thấy các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã có thể chuyển sang hướng khai thác những giá trị mới của núi Phú Sỹ, thay vì những cách làm truyền thống đang có.


Trước mắt, các nhà quản lý cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền với nội dung dễ hiểu về những giá trị văn hóa của núi Phú Sỹ cho nhóm đối tượng là du khách tham quan trực tiếp. Điều này tạo ra sự quan tâm mới cho du khách trên khía cạnh văn hóa, lịch sử. Qua đó, mỗi du khách sẽ tự mở ra một nhu cầu tìm hiểu, khám phá mới về núi Phú Sỹ, ngoài sức hấp dẫn về cảnh quan, địa lý như hiện nay. Quá trình này sẽ hoàn tất khi những du khách đó tiếp tục giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp về những tìm hiểu mới mẻ của mình, góp phần quảng bá những giá trị văn hóa Nhật Bản, cũng như tạo ra sức hấp dẫn mới về địa danh Phú Sỹ.


Về lâu dài, Nhật Bản cần hoạch định chiến lược nghiên cứu và phát triển đúng đắn nhằm bảo đảm tối đa vẻ đẹp tự nhiên của núi Phú Sỹ, trong khi những giá trị thương mại thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch không bị ảnh hưởng.


Cùng với hoa Anh Đào và áo Kimono, núi Phú Sỹ là một trong ba biểu tượng đặc trưng của Nhật Bản. Có độ cao 3.776 m, Phú Sỹ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản với quanh năm tuyết phủ. Hàng năm, từ tháng 7 đến tháng 8, núi Phú Sỹ mở cửa cho phép người dân trải nghiệm cảm giác leo núi, chinh phục bản thân và ngắm nhìn những tia nắng đầu tiên xuất hiện trên bầu trời. Người Nhật quan niệm được đón những tia nắng mới này sẽ mang lại sức khỏe, may mắn và hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Và đó cũng là một trong rất nhiều lý do khiến lượng du khách tìm đến với núi Phú Sỹ ngày càng tăng.


Nguyễn Giang (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN